Tối 27/2, Nhà hát Kịch Việt Nam có suất diễn thứ 100 vở kịch Bệnh sĩ tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Trong bối cảnh nhiều tác phẩm dựng xong chỉ diễn được vài buổi, hoặc phải "đắp chiếu" để rơi vào quên lãng, Bệnh sĩ là một tín hiệu mừng cho sân khấu.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho biết tác phẩm đã có một năm bùng nổ khi liên tục diễn tại nhiều địa phương trên cả nước. Đằng sau thành công là sự vượt khó, nỗ lực và nhiệt huyết của tập thể nghệ sĩ. Đạo diễn vở - NSND Tuấn Hải - lý giải nguyên nhân lớn khiến Bệnh sĩ thành công là ở kịch bản. Anh nói: "Khi nhận kịch bản này, tôi thấy sức chiến đấu của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, dù nó được viết ra hơn 20 năm trước. Tác phẩm là vũ khí chống lại thói xấu, hư danh, sĩ diện vẫn tràn lan trong xã hội".
NSƯT Xuân Bắc thủ vai cố vấn Văn Sửu trong vở kịch. Anh nhớ lại những đêm đi diễn tỉnh, sự nhiệt tình của khán giả mang lại niềm vui cho nghệ sĩ: "20h mới diễn, mà 19h15 khán giả đã ùa vào, chen chúc, đông vui, háo hức. Đó là sự động viên lớn nhất cho nghệ sĩ".
Bệnh sĩ từng được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch những năm 1980. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Kịch lấy bối cảnh vùng nông thôn đang hừng hực khí thế đổi mới. Ông chủ tịch xã Toàn Nha và những xã viên đều là những người hiện lành, thật thà, chân chất. Nhưng vì tính sĩ diện, háo danh, họ đã cố gán cho mình một cái mác sang trọng, làm ăn giả dối, báo cáo liều. Những chuyện dở khóc dở cười đã diễn ra. Tác phẩm là một hài kịch mang lại những tràng cười sảng khoái. Tính châm biếm đả kích tạo chiều sâu, sức sống lâu bền cho Bệnh sĩ.
Lam Thu