Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí cho dự án 12 nhà hát đồng loạt sáng đèn, mong muốn kéo khán giả trở lại thói quen xem kịch. Mỗi nhà hát chỉ diễn một đêm, nếu khán giả hưởng ứng sẽ tăng thêm suất diễn. Động thái diễn ra sau nhiều tháng các nhà hát phải đóng cửa vì dịch.
Dự án mở màn với vở Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ (Nhà hát Kịch Việt Nam) tại Nhà hát Lớn tối 23/5. Đơn vị chọn tác phẩm nhằm thu hút khán giả bởi Bệnh sĩ là vở diễn nổi tiếng, từng được biểu diễn hàng trăm đêm. Sau đó là loạt tác phẩm: Mặt trời phương Đông của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (12/6), Vân dại của Nhà hát Chèo Việt Nam (13/6), Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (20/6), Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải lương Việt Nam (11/7), Hồ thiên nga của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam (22/8)...
Ngoài chuỗi chương trình, mỗi nhà hát tại Hà Nội đều có hoạt động trở lại riêng. Hôm 14/5, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công vở mới Nữ cảnh sát SBC. Tác phẩm do nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng đạo diễn, biên tập với sự tham gia của nghệ sĩ Quốc Khánh, Minh Thu, Tô Tuấn Dũng, Lê Quang Đạo, Nguyễn Minh Hải... Phó Giám đốc Xuân Bắc cho biết trong dịch, hội đồng nghệ thuật dành nhiều thời gian nghiên cứu, duyệt kịch bản. Hiện có khoảng 40 kịch bản được chọn để sử dụng trong thời gian tới.
Nhà hát Tuổi Trẻ cũng trở lại với dự án Bay lên những ước mơ - phục vụ thiếu nhi dịp 1/6. Dự án gồm ba chương trình Kịch vui Vaxilixa và Phù thủy độc ác, Nhạc kịch Cuộc chiến vô cực và Ca múa nhạc - Kịch vui Trống Choai đi đâu thế?, bắt đầu từ ngày 23 - 24/5. Nhà hát Múa rối Thăng Long luyện tập cho vở Mèo và chuột (đạo diễn Hà Bình Minh) ra mắt vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6.
Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam và nhiều đơn vị luyện tập các vở diễn nổi tiếng để phục vụ khán giả. Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - cho biết ngoài tác phẩm cũ, nhà hát dàn dựng vở diễn mới cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Trước đó, nhà hát tổ chức cuộc thi hát online Thử thách tôi nhằm cổ vũ tinh thần nghệ sĩ thời dịch và truyền tình yêu môn nghệ thuật truyền thống tới khán giả.
Khó khăn về kinh tế, thu hút khán giả là tình trạng chung của các nhà hát. Ba tháng qua, các nghệ sĩ chỉ nhận mức lương cơ bản theo biên chế nhà nước. Nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho biết khoảng hơn 80 diễn viên trẻ (ngoài biên chế) không có thu nhập vì sân khấu đóng cửa. Trong khi đó, nghệ sĩ Xuân Bắc nói với tình hình hiện tại, mỗi nghệ sĩ chỉ nhận được 200.000 tiền bồi dưỡng, bất kể vai chính hay phụ. Mặc dù, để hoàn thành vở, họ tốn nhiều thời gian chuẩn bị, luyện tập.
Các nhà hát nỗ lực thu hút khán giả bằng những vở diễn chất lượng. Nghệ sĩ Công Lý - Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - cho biết: "Tình trạng sân khấu vốn khó khăn chung rồi, chúng tôi không có hình thức giảm giá, thay vào đó lựa chọn những tác phẩm hay gửi tới khán giả". Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ dự kiến tặng 3.000 - 4.000 vé xem chương trình cho con em các y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai... Để đảm bảo an toàn thời dịch, đơn vị giới hạn số lượng khán giả xuống còn 300 người thay vì 600 như trước và thực hiện các biện pháp đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang...
Hiểu Nhân