Đến nơi, ông đợi bà đứng vững rồi mới tháo mũ bảo hiểm, gửi xe, dìu vợ vào bên trong. Vợ hơn ông 3 tuổi, thể trạng yếu và bệnh nền cao huyết áp nhiều năm nay. Về đêm, bà ho nhiều, cản trở giấc ngủ nên ban ngày thường xuyên mệt mỏi. Ông lo bà trở bệnh nặng nếu mắc cúm, viêm phổi trong khi tuổi tác ngày càng cao.
Trước đây, bác sĩ khuyên ông bà tiêm một số mũi vaccine để tăng đề kháng. Ông Châu lo bà mệt mỏi nên quyết định tiêm thử nghiệm, nếu ổn mới đưa vợ đi chủng ngừa. Sau khi tiêm hai mũi cúm và phế cầu, thấy chỉ hơi đau tại chỗ tiêm, ông mới đưa vợ đi tiêm, phòng bệnh trước thời tiết nắng mưa thất thường.
Từ phòng khám đến nơi tiêm, ông theo sát bà như người dẫn đường, chủ động thực hiện các thủ tục giấy tờ, khai báo bệnh sử, đối chiếu thông tin. Sau tiêm, ông cùng bà ngồi đợi theo dõi, thi thoảng lấy nước, hỏi vợ xem có đau ở đâu không, khó chịu thì báo ngay nhé.
Vợ chồng ông Lân (90 tuổi, TP HCM) cũng đều đặn đến VNVC tiêm chủng hai năm nay. Thói quen chủng ngừa định kỳ hình thành ngay sau lần mắc Covid-19 năm 2022, được ông Lân mô tả "thập tử nhất sinh". Trận bệnh khiến ông nằm viện 14 ngày, hôn mê. Ông Lân có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp nên trở nặng, tưởng chừng như không qua khỏi.
Lo cho sức khỏe bản thân và vợ, ông cố gắng tiêm chủng đúng lịch, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Ông theo dõi lịch hẹn của bác sĩ, đúng ngày tiêm thì cùng vợ và các con đến trung tâm gần nhà. Ông cho biết tuân thủ lịch tiêm vì vaccine tương tự một tấm chắn, giảm nguy cơ bệnh tật cho bản thân và gia đình.
BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trung tâm ghi nhận xu hướng người cao tuổi tiêm chủng tăng theo thời gian. Họ thường chọn tiêm phòng cúm, phế cầu, một số tác nhân bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch khác như sởi, thủy đậu, ho gà, bạch hầu. "Cùng tiêm vaccine như một cách chăm sóc nhau ở vợ chồng già", bà nói.
Theo bác sĩ Phương, điều này thể hiện người cao tuổi, người có bệnh lý nền ngày càng nâng cao kiến thức phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng lên, giảm khả năng bệnh lây truyền trong cộng đồng.
Bác sĩ Phương phân tích người già bị lão hóa cơ thể, khiến hệ miễn dịch và nhiều cơ quan yếu đi. Điển hình hệ hô hấp tăng nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng.
Người già thường mắc các bệnh nền mạn tính gây suy giảm miễn dịch, như tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi mạn, thận mạn, xương khớp... Một người có thể mắc đến 3-4 bệnh. Tổng hợp các yếu tố khiến họ trở thành nhóm nguy cơ cao, dễ diễn tiến nặng, nhập viện, điều trị khó khăn và tăng tỷ lệ tử vong khi bệnh.
Các biện pháp cải thiện thể trạng như dinh dưỡng và vận động đóng vai trò quan trọng trong tăng cường sức khỏe người già, tuy nhiên chưa toàn diện. Lý do, cơ thể không có khả năng miễn dịch bẩm sinh với tác nhân gây bệnh như cúm, phế cầu, sởi, ho gà...
Những mũi vaccine giúp cải thiện phần này, hiệu quả cao nếu tuân thủ đúng phác đồ chủng ngừa, bao gồm mũi cơ bản và nhắc lại. Ví dụ mũi cúm giúp giảm 79% số ca nhập viện ở người tiểu đường, giảm 61% ca tử vong ở người cao tuổi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Hiện VNVC có hơn 50 loại vaccine, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở cả trẻ em và người lớn. Phác đồ của mỗi loại vaccine sẽ khác nhau dựa trên lứa tuổi, lịch sử tiêm chủng, tình trạng sức khỏe.
Đơn cử, vaccine cúm tiêm một mũi và nhắc lại hàng năm. Loại ngừa phế cầu Prevenar 13 tiêm một mũi. Mũi bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm nhắc mỗi 10 năm.
Bác sĩ Phương lưu ý người già khi đi tiêm chủng cần mang theo các giấy tờ tùy thân, mẫu các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Sau tiêm, cần theo dõi ít nhất 30 phút ngay tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà.
Hết 30 phút theo dõi, ông Châu cùng vợ lên xe máy về nhà, trò chuyện về bữa cơm trưa có món gì nhỉ. Với ông bà, cùng tiêm vaccine như một cách chăm sóc lẫn nhau, giản đơn mà hiệu quả để có thêm sức khỏe và niềm vui ở tuổi già.
Nhật Linh
20h ngày 28/6, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chủ đề "Tiêm vaccine cho người lớn, xu hướng tặng món quà sức khỏe cho cha mẹ ông bà". Tham gia có các chuyên gia:
- BS.CKII Mã Thanh Phong, quyền Trưởng Đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
- BS.CKII Lưu Thị Hải Anh, bác sĩ chuyên sâu về bệnh lão khoa, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
- BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
- Lý Thùy Thanh Mai, Quản lý Chăm sóc khách hàng vùng TP HCM, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc đặt câu hỏi tại đây.