6h30' mỗi ngày, phòng của bà cụ Thịnh (81 tuổi) nằm ở căn penthouse một khu chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) có tiếng gõ cửa. Anh con trai bước vào gọi nhẹ: "Bà ơi, đến giờ đi học rồi".
Đây là câu ví von cả gia đình dành cho bà Thịnh, chỉ việc bà phải sửa soạn đến viện dưỡng lão. Dềnh dàng hệt như một đứa trẻ nhưng bà cụ biết phải dậy thôi. Ăn sáng xong xuôi, bà đeo chiếc túi, bên trong có một bộ quần áo, một chiếc điện thoại, rồi được đưa ra xe hơi lên đường. Chỉ chục phút, bà đã đến "trường", cách nhà 2 km.
"Trường học" hay "khách sạn" là tên bà Thịnh cũng như các cụ khác gọi viện dưỡng lão nơi mình đang ở. Đó là một căn biệt thự trong khuôn viên một khu đô thị, tuy đã có tuổi đời 5 năm nhưng không hẳn người dân xung quanh nào cũng biết. Tại đây bà Thịnh ở một phòng chung có khoảng 8 cụ, mỗi người có một chiếc giường, một chiếc tủ. Bà chỉ dùng bữa trưa và tắm rửa, trước 4h chiều các con sẽ tới đón bà về nhà dùng bữa tối. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi đến cả đứa cháu lên ba cũng bảo bà "đi trẻ" giống nó.
Chị Thành - con gái bà Thịnh - cho biết, tìm đến viện dưỡng lão vì muốn mẹ được chăm sóc tuổi già tốt nhất. "Trước khi vào trung tâm, mẹ tôi ở nhà toàn nằm giường, kêu mệt. Bà mắc bệnh tiểu đường nên hay đói, trong khi con cháu không ở nhà, người giúp việc không thể kiểm soát ăn uống của bà được", chị Thành nói.
Từ khi vào đây, với chi phí 7 triệu/tháng, bà cụ có một nơi sinh hoạt tốt về mặt tinh thần và thể chất, mọi chỉ số sức khỏe đều tốt lên. Gia đình chọn sáng đi, chiều về để bà vừa được ra ngoài giao lưu, tiếp xúc mà vẫn được ở cùng con cháu.
"Ban đầu cụ cũng không thích đi đâu, nhưng đi quen rồi thì tự giác. Cứ đến giờ là cụ đi, nhiều hôm còn thích đi vì đến đó có bạn chơi", chị Thành cho biết. Vài năm tới, gia đình chị vẫn duy trì cách thức này.
Video: Cuộc sống trong viện dưỡng lão
Từ khi vào một viện dưỡng lão ở quận Hoàng Mai gần hai năm nay, bà Kim Thanh (80 tuổi) xem đây như ngôi nhà của mình. Bởi lẽ, nhà của bà ở Thuỵ Khuê đã bán sau khi vào đây không lâu.
Buổi sáng cuối đông se lạnh, bà Thanh ngồi hong tóc bên ô cửa trên tầng 6 viện dưỡng lão. Ban công ngoài kia, vài dây hoa ti gôn đang đâm chồi mơn mởn. Bà Thanh lật qua, lật lại mái tóc trắng như cước, nói: "Nay tôi gội bằng dầu con trai gửi từ Đức về này, mùi dễ chịu nhỉ. Nó là con trai mà tỉ mẩn lắm, đến cả bông ngoáy tai cũng gửi về cho tôi mà".
Vợ chồng bà Thanh chỉ có một người con trai duy nhất, đã sang Đức học tập và định cư hơn 30 năm. Ngày vợ chồng bà mới nghỉ hưu, anh đón sang, song bà không thể hoà nhập được cuộc sống ở đó. "Mình chẳng biết tiếng, con thì đi làm. Sống bên đó có khác gì trong nhà tù giam lỏng. Ở đây, sáng tôi ra vườn hoa tập thể dục, chiều ra Lăng Bác hóng mát", bà kể về vị thế trung tâm của nhà mình.
Song từ khi chồng mất 5 năm trước, sức khoẻ bà Thanh cũng yếu hơn. Bà dành một tầng cho thuê để có thêm người trò chuyện. Bà cũng thuê một người giúp việc, chủ yếu để cơm nước, đi dạo cùng. Một lần bất cẩn bà bị trượt ngã gãy xương đùi, phải nằm bệnh viện 8 tháng. Sau đó, nghĩ đến tình cảnh của mẹ không thể sang Đức, cũng chẳng thể ở nhà được chăm sóc đảm bảo, anh con trai đã đưa bà vào viện dưỡng lão.
Bà Thanh xem đây là quyết định đúng. Ở đây bà có bạn trò chuyện, người chăm sóc, anh con trai một năm về nước đôi lần vào thẳng đây thăm. Hơn thế, trong cái chung, bà vẫn giữ được nếp sinh hoạt trước đây. Cứ 5h, bà dậy tập thể dục tại giường 45 phút, uống nửa lít nước thanh lọc cơ thể, sau đó đi 20 đến 25 vòng trong khuôn viên tầng đang sống.
"Nhờ luyện tập mà tôi đã hoàn toàn hết được bệnh đau khớp. Ở đây, ít các cụ chăm tập thể dục như tôi lắm", cụ bà nói, nét mặt phấn khởi.
Bà Cẩm (82 tuổi ở Hà Đông) từng quyến luyến con cháu đến độ cứ dăm bữa, nửa tháng lại "giả bệnh" để được vào bệnh viện, con cháu sẽ tới thăm. Cụ bà với mái tóc ngắn, khuôn mặt bầu bĩnh luôn chúm chím môi lại mỗi khi có ai nhìn thấy, như là một cách để chào hỏi. Vì điều đó, cả viện dưỡng lão này gọi bà là "hoa hậu thân thiện".
Bà Cẩm chia sẻ, mấy năm trước chồng bà xuất gia, các con cháu lại bận bịu, thành thử bà toàn ở với giúp việc, ít khi nói chuyện. Chỉ khi vào viện dưỡng lão ba năm trước, bà mới nguôi đi cảm giác cô đơn, thèm người bầu bạn tuổi già.
Dù vậy, bà không ở chung với các cụ khác mà thuê một căn phòng riêng, với chi phí hơn 9 triệu đồng mỗi tháng. Thi thoảng chồng vào thăm, và ở lại với bà một thời gian.
Căn phòng bà gây ấn tượng với một bức ảnh đen trắng, có hình ảnh một người phụ nữ Hà Nội xưa rạng ngời bên chồng và ba con, được chụp từ năm 1964. Dưới bức ảnh đề hai câu thơ của Nguyễn Du: "Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông".
"Ông nhà tôi viết đấy, chữ ông ấy đẹp, mà ông ấy cũng đẹp trai lắm. Thế nên tôi mới mê", bà nói. Đợt này ông đang phục vụ lễ hội nên bốn tháng rồi chưa vào thăm, nghĩ đến điều đó, bà cụ đang vui vẻ lại thoáng buồn.
Chị Hoàng Ngân, phó giám đốc một viện dưỡng lão ở Hà Đông cho biết, đặc thù các gia đình đô thị là ở nhà đất, đi lại cầu thang rất bất tiện. Khi bố mẹ 80, 90 tuổi, thì các con dù 60, 70 tuổi nhưng cũng vẫn đi làm, giao lưu đây đó, không thể đảm bảo săn sóc các cụ chu đáo được. Nhiều cụ có con ở nước ngoài, người giúp việc không có chuyên môn... Vì lẽ đó, viện dưỡng lão ra đời và đang ngày càng được lựa chọn.
"Vài năm trước tư tưởng của người dân về viện dưỡng lão còn nặng nề. Ngay chính trong nội bộ các gia đình cũng có bất đồng, dẫn đến có trường hợp con này đưa cha mẹ vào, thì con kia đến đón về. Nhưng những năm gần đây, tư tưởng đã cởi mở nhiều", chị Ngân cho hay.
Anh Thuận, quản lý một viện dưỡng lão ở quận Hoàng Mai cho biết, nhu cầu người già vào viện dưỡng lão ngày một tăng. Như trung tâm anh đang chăm sóc cho hơn 40 cụ, một năm trở lại đây số lượng tăng lên nhiều so với các năm trước.
"Cơ sở của chúng tôi chăm sóc 3 nhóm chính, một là các cụ già khỏe mạnh, tự phục vụ được. Nhóm thứ hai là cần hỗ trợ, bị tai biến, sa sút trí tuệ. Và một nhóm là những bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, không ở bệnh viện mà chọn ở viện dưỡng lão, tránh sự lây chéo mà vẫn đảm bảo được chăm sóc", anh Thuận cho biết.
Mức phí cơ bản tại các viện dưỡng lão tư nhân hiện nay từ 6 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Với mức phí này, hiếm có cụ già ở nông thôn, người không có lương hưu vào được đây, trừ khi con cái có điều kiện kinh tế.
Một cụ đang sống trong viện dưỡng lão cho biết, cụ neo đơn, nghỉ hưu lương không đủ nên phải nhờ cậy anh chị em mới đủ 7 triệu đóng cho viện dưỡng lão hàng tháng. Vì không còn lựa chọn nào khác nên cụ vào đây sống, tuy nhiên cảm thấy chuyên môn của các điều dưỡng chưa chuyên nghiệp. "Đa phần các cháu còn rất trẻ, nhiều cháu học bằng cấp ngắn hạn, chuyên môn chăm sóc người già chưa được tốt ", cụ ông này cho biết.
Số liệu từ Tổng cục thống kê năm 2010 dự báo, dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017. Báo cáo Quỹ dân số liên hiệp quốc cũng nhấn mạnh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tương đối nhanh, tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn cũng đang có xu hướng gia tăng. Ở Việt Nam, những cơ sở chăm sóc người cao tuổi đầu tiên được thành lập chính là các trung tâm điều dưỡng người có công với đất nước. Sau đó có các trung tâm bảo trợ xã hội và thời gian gần đây xuất hiện một số các viện dưỡng lão tư nhân. Do chi phí dịch vụ còn khá cao, viện dưỡng lão đang tập trung chính ở Hà Nội và TP HCM. |
Phan Dương