Nhận được tiền khen thưởng cuối năm, tôi hớn hở cùng vợ đi mua một cái tủ lạnh và lò vi sóng mới để thay thế những thiết bị cũ trong nhà. Tủ lạnh và lò vi sóng hiện tại đã dùng hơn 10 năm, sử dụng không còn hiệu quả và đôi lúc còn gặp trục trặc. Tôi bảo với vợ những đồ cũ thì sẽ bán đi, được đồng nào sẽ bù vào một phần chi phí cho đồ mới.
Mới nghe thấy vậy mà vợ tôi đã làm toáng lên, và bảo tôi hoang phí: "Đem về quê cho bố mẹ dùng chứ sao lại bán rẻ đi?". Tôi bảo với vợ rằng "những món đồ này đã quá cũ kỹ, hiệu suất kém, mang về quê cũng chẳng dùng được bao lâu là hỏng". Thay vào đó, tôi đề xuất: "Chờ thưởng Tết Âm lịch, mua hẳn cái tủ lạnh mới để biếu bố mẹ cho nó ra tấm ra món, chứ cái gì nhà mình hỏng, không muốn dùng là tống hết về quê, coi sao được",
Nhưng vợ tôi nhất quyết không đồng ý, nói tôi không biết tiết kiệm và lãng phí. Câu chuyện chẳng có gì to tát, vậy mà lại trở thành nguyên nhân của một trận tranh luận gay gắt. Tôi cố gắng giải thích rằng "nhà quê không phải là nơi để tống khứ những thứ đồ cũ, không còn giá trị sử dụng".
>> Tôi sống kiểu 'quê mùa' dù có nhà, xe hơi
Bố mẹ ở quê đã quá vất vả cả đời rồi, tại sao không mua cho ông bà những món đồ mới, chất lượng, để họ tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn? Toàn dùng lại đồ cũ của nhà mình, nào bếp ga cũ, nào nồi cơm điện cũ, TV cũ, nào chăn ga gối đệm cũ, thậm chí rách nát cũng tuồn hết về quê cho bố mẹ dùng.
Tôi bỗng nghĩ đến những lần bố mẹ ở quê gửi lên cho chúng tôi những món đồ ngon, sạch sẽ nhất: nào là con gà thả vườn, nào là mớ rau xanh tươi, chục quả trứng gà vừa mới đẻ... Bố mẹ chẳng bao giờ tiếc nuối những thứ tốt đẹp nhất cho con cái, dù đôi khi điều đó khiến họ phải chịu thiếu thốn. Vậy mà giờ đây, khi có điều kiện, tại sao chúng ta lại nghĩ rằng đồ cũ, đồ thừa mình chán không muốn sử dụng thì là thứ phù hợp để gửi về quê?
Thật ra, tôi hiểu rằng vợ cũng chỉ muốn tiết kiệm và tránh lãng phí. Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm của mình: nếu đã không dùng được nữa, tại sao không chọn cách tốt hơn là mua hẳn đồ mới để biếu tặng? Bố mẹ, dù ở quê hay thành phố, đều xứng đáng được nhận những gì tốt nhất từ con cái. Nhà quê không phải là "bãi chứa" đồ cũ, cứ nhìn một đống đồ xếp xó thì đủ biết là tiết kiệm hay là hoang phí.
- Chủ doanh nghiệp trăm tỷ 80 năm tiết kiệm để có gia tài cho con
- Con có nhà vì tôi 'hy sinh đời bố để củng cố đời con'
- Tôi hy sinh để con cháu ba đời sống sướng
- Năm nào tôi cũng đi du lịch hưởng thụ dù gánh nợ
- Sống tối giản để tiết kiệm 70% thu nhập
- 'Lương tháng 50 triệu, tiết kiệm 30 triệu'