Lễ ký kết diễn ra tại Paris (Pháp), ngay sau chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tại Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Theo đó, Sanofi sẽ hỗ trợ VNVC kiến thức và chuyên môn về công nghệ sinh học, tạo tiền đề cho sản xuất vaccine thiết yếu tại Việt Nam.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VNVC, cho biết thời gian tới đơn vị sẽ đàm phán để từng bước tham gia sản xuất và nhận chuyển giao công nghệ của một số thuốc, vaccine Sanofi đang triển khai trong nước.
![Ông Ngô Chí Dũng (phải) và ông Stephane Liceras, Giám đốc vận hành Kinh doanh quốc tế Sanofi, ký kết bản định hướng hợp tác hôm 8/10. Ảnh: VNVC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/10/09/2-vnvc-ky-ket-sanofi-1-1728464-4906-5751-1728464966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y8HgNhdyF8Vh6BtSuJEEyA)
Ông Ngô Chí Dũng (phải) và ông Stephane Liceras, Giám đốc vận hành Kinh doanh quốc tế Sanofi, ký kết bản định hướng hợp tác hôm 8/10. Ảnh: VNVC
Tham dự sự kiện, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, cho biết đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ký hợp tác chuyển giao kỹ thuật với đơn vị về dược phẩm và vaccine lớn trên thế giới như Sanofi.
PGS Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá Việt Nam đang vươn lên làm chủ kỹ thuật cao trong sản xuất vaccine. Đồng thời, việc hợp tác sẽ giúp nước nhà làm chủ nguồn cung, không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, chi phí hợp lý hơn.
Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia tự chủ được nhiều công nghệ sản xuất như: vaccine bất hoạt, giải độc tố, tiểu đơn vị. Hiện có 10 trong tổng số 11 vaccine thuộc chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) do Việt Nam tự sản xuất.
Cả nước có bốn doanh nghiệp nhà nước và một số cơ sở tư nhân đạt chuẩn GMP - thực hành sản xuất thuốc tốt, trong đó có VNVC. Thống kê của Bộ Y tế, năm 2015 nhu cầu vaccine ngừa viêm não Nhật Bản B cho tiêm chủng mở rộng khoảng 8 triệu liều, nước ta sản xuất khoảng 12 triệu liều mỗi năm; mũi ngừa sởi cần 3 triệu liều, khả năng sản xuất khoảng 7,5 triệu liều mỗi năm...
Nhờ có vaccine nội địa, số ca bệnh truyền nhiễm giảm hàng nghìn lần. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm vaccine để phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Mục tiêu đến năm 2030 sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine đạt tiêu chuẩn tương đương quốc tế.
![Buổi làm việc hôm 8/10 giữa đại diện Bộ Y tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Hội hữu nghị Việt - Pháp, VNVC. Ảnh: VNVC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/10/09/1-vnvc-ky-ket-sanofi-1-1728464-4588-8079-1728464966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XhL2NuFl-xpLdekT3kgGkA)
Buổi làm việc hôm 8/10 giữa đại diện Bộ Y tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Hội hữu nghị Việt - Pháp, VNVC. Ảnh: VNVC
VNVC hiện triển khai tiêm 10 loại vaccine của Sanofi gồm: 6 trong 1 Hexaxim, 5 trong 1 Pentaxim, 4 trong 1 Tetraxim, 3 trong 1 ngừa bạch hầu ho gà uốn ván Adacel, viêm não Nhật Bản Imojev, dại Verorab, viêm màng não do não mô cầu Menactra, viêm gan A Avaxim, cúm tứ giá Vaxigrip Tetra, thương hàn Typhim VI.
Ông Ngô Chí Dũng nói thông qua việc hợp tác, hai bên kỳ vọng nâng cao năng lực sản xuất vaccine chất lượng cao, công nghệ hiện đại, tạo ra vaccine "made in Vietnam" đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng tăng.
Ông Dũng cho biết sắp tới VNVC sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới theo tiêu chuẩn EU GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) tại tỉnh Long An. VNVC chú trọng hợp tác đầu tiên với Sanofi nhằm tiến tới sản xuất một số loại vaccine và thuốc sinh học quan trọng, từ đó chủ động cung ứng cho Việt Nam.
Ông Burak Pekmezci, Giám đốc Quốc gia Sanofi Việt Nam, cho biết trong năm 2023, đơn vị cung ứng hơn 7 triệu liều vaccine chất lượng cao cho thị trường Việt. Sanofi kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế cũng như nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Sanofi là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới về sản xuất thuốc, vaccine chất lượng cao. Hãng có mặt tại Việt Nam hơn 70 năm, triển khai nhiều hoạt động về nghiên cứu khoa học, cung ứng thuốc, vaccine, hỗ trợ đào tạo kiến thức, kinh nghiệm cho nhân viên y tế và cộng đồng.
VNVC là hệ thống tiêm chủng lớn tại Việt Nam, với 198 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc (đến ngày 9/10) và đội ngũ hơn 10.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Đơn vị có hệ thống dây chuyền, kho và hệ thống xe lạnh vận chuyển chuyên dụng cho vaccine, tất cả đạt tiêu chuẩn GSP.
Văn Hà