Trong Top 100 website toàn cầu, các trang dịch vụ trực tuyến như tìm kiếm, chia sẻ thông tin, tải nội dung và các tiện ích khác chiếm đa số. Ba vị trí đầu danh sách nhiều năm qua lần lượt là Yahoo, Microsoft Networks (MSN) và Google. Gần đây có sự nổi lên mạnh mẽ của các website mang tính chia sẻ nội dung cộng đồng như MySpace (đứng thứ 4) và YouTube (thứ 6).
Nửa năm sau khi lọt Top 200, VnExpress trở thành website Việt Nam đầu tiên góp mặt vào Top 100. So sánh với không nhiều trang web báo chí trong danh sách này, VnExpress hiện đứng cách CNN (Cable News Network) 28 bậc và BBC Newsline Ticker 60 bậc. Trong số hàng triệu website được người Việt Nam sử dụng, đứng đầu là Yahoo.com, thứ hai là Google.com.vn, và kế tiếp là VnExpress. Hiện, tờ báo có số lượng độc giả thường xuyên lên tới 2,4 triệu với trên 7 triệu lượt truy cập mỗi ngày.
Đánh giá về sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Đỗ Quý Doãn nhận định: "Trong hàng triệu trang web trên thế giới, việc một tờ báo điện tử Việt Nam lọt vào Top 100 là điều rất vinh dự. Nó khẳng định sự lớn mạnh của báo điện tử Việt Nam". Thứ trưởng cho rằng để đạt được vị trí đó, VnExpress đã đảm bảo được tính trung thực, khách quan, uy tín và đặc biệt là chất lượng thông tin, được công chúng thừa nhận.
"Để đánh giá một tờ báo hay, theo tôi, có nhiều tiêu chí, nhưng yếu tố quan trọng nhất là phải có nhiều công chúng. Một tin trên tờ báo chỉ có 500 hay 1.000 người xem hoàn toàn khác so với một tin nằm trên tờ báo có hàng triệu người truy cập", ông Doãn chia sẻ.
![]() |
![]() |
Các số liệu thống kê về VnExpress trên hệ thống Alexa: |
Sở dĩ VnExpress có được thành công như vậy là nhờ đường lối đưa tin khách quan và kịp thời của tòa soạn. Ngoài ra còn có những yếu tố xã hội thuận lợi khác. Các báo điện tử có ưu thế về tốc độ đưa tin, đồng thời củng cố được độ tin cậy và sức hấp dẫn của thông tin trước độc giả. Mức độ phổ cập máy tính và sự phát triển của dịch vụ kết nối băng rộng ADSL vài năm qua khiến lượng người dùng Internet tăng mạnh. Quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế tạo đà tăng trưởng nhanh chóng nhu cầu khai thác thông tin trên mạng.
Bên cạnh đó, VnExpress giành được sự tin tưởng của độc giả ở nước ngoài, trở thành kênh thông tin về tình hình trong nước được tìm đến đầu tiên. 10,4% người đọc VnExpress sống tại Mỹ, và hơn 21% là từ các nước khác - đó là một đặc thù của Báo.
"Làm truyền thông ở hải ngoại, chúng tôi vẫn thường khai thác tin tức của VnExpress. Hầu hết các báo đài của cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng làm như vậy", ông Đinh Viết Tứ, một người làm chương trình talkshow tại California (Mỹ), cho biết. "Tôi nhớ có lần xem truyền hình trực tiếp, cuộc thi Hoa hậu thế giới vừa có kết quả xong, tôi truy cập vào VnExpress thì đã thấy có bản tin mà tôi mới được biết qua truyền hình tại Mỹ".
Ông Hoàng Đức Ninh, Bí thư - Tùy viên báo chí Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, bày tỏ: Ngày nào tôi cũng vào VnExpress buổi sáng, lướt qua các trang chính một lượt. Tôi thích đọc Thế giới và Pháp luật. Đây là một trang báo nhanh chóng, kịp thời và thông tin phong phú".
Theo Đoàn Thị Như Mai, sinh viên năm thứ 5, ĐH Bách khoa Saint-Petersburg (Nga), báo điện tử là một trong những kênh thông tin mà lưu học sinh ở nước ngoài hay truy cập để biết được tình hình trong và ngoài nước. Các bạn trong trường tôi đọc nhiều trang khác nhau, nhưng khoảng 60-70% vào VnExpress. Đây cũng là một trong những trang tôi truy cập hầu như hằng ngày, Mai chia sẻ. Ngoài các mảng tin hầu như báo nào cũng có, VnExpress có chuyên mục rất riêng mà tôi thích là Tâm sự.
![]() |
Một góc tòa soạn VnExpress. Ảnh: Hoàng Hà. |
VnExpress hiện có 80 phóng viên và biên tập viên, tuổi trung bình 27, hoạt động chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, với đội ngũ cộng tác viên ở trong và ngoài nước. Các phóng viên, biên tập viên tốt nghiệp ít nhất một đại học hoặc học vị trên đại học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, sử dụng ít nhất một ngoại ngữ. Nguồn thu duy nhất để tờ báo hoạt động là từ quảng cáo.
Ra mắt trên Internet ngày 26/2/2001, sáu tháng sau, tờ báo trở thành trang web tiếng Việt có nhiều người đọc nhất trên Internet và giữ vững vị trí số một đến nay.
- Tháng 6/2002, mỗi ngày có trung bình 800.000 độc giả.
- Tháng 6/2003, bước vào Top 2.000 trên hệ thống xếp hạng Alexa.
- Tháng 6/2004, lọt vào Top 1.000 trên Alexa.
- Tháng 7/2005, đứng trong Top 500 với số độc giả hơn 1 triệu mỗi ngày.
- Tháng 6/2006, lọt vào Top 300. Số độc giả tăng lên 1,5 triệu.
- Tháng 10/2006 vào Top 200, đạt 2 triệu độc giả.
- Tháng 6/2007, trở thành một trong 100 trang web có số người truy cập nhiều nhất thế giới.
Hệ thống xếp hạng website Alexa - thuộc tập đoàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon.com - hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập từ thanh công cụ (toolbar) của hãng này mà người truy cập Internet trên toàn thế giới cài đặt trong trình duyệt. Đến nay, hệ thống này vẫn được coi là dịch vụ độc lập khách quan duy nhất trên thế giới trong việc đánh giá mức độ truy cập của các trang web toàn cầu.
Alexa xác định chỉ số thứ hạng các website dựa trên hai yếu tố: tổng số người truy cập, và số lượng trang trung bình được một người truy cập mở xem. Sự kết hợp 2 yếu tố đó trong cách đánh giá lưu lượng truy cập là một ý tưởng thông minh, loại bỏ được khả năng tạo ra các truy vấn ảo bằng các chương trình tự động.
VnExpress