Tốc độ phát triển Internet tại Việt Nam đang là dấu hiệu khả quan. Ảnh: N.H. |
Trong báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2004 của Hội Tin học TP HCM, sẽ được trình bày tại diễn đàn CNTT Việt Nam và VN Computer World Expo 2004 (diễn ra từ ngày 5 đến 10/7), ông Tùng cũng nêu rõ chỉ số xã hội thông tin (ISI): 2003 là năm đầu tiên Việt Nam được xếp hạng cùng với 53 nước khác và đứng ở cuối danh sách, trong khi đó lại đứng đầu bảng những nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất (94% với giá trị 49 triệu USD). Tuy nhiên, lĩnh vực gia công phần mềm, dịch vụ, phát triển Internet và điện thoại di động lại tăng đáng kể. Điều này đã đúng với những dự báo của các chuyên gia CNTT.
2003 là năm phát triển mạnh của thị trường CNTT Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 28,8% và đạt con số 515 triệu USD (410 triệu USD phần cứng và 105 triệu USD phần mềm, dịch vụ) đưa tổng giá trị thị trường CNTT và viễn thông (ICT) gần mức 2 tỷ USD/năm. Việt Nam cũng xuất khẩu được 30 triệu USD phần mềm/dịch vụ và 700 triệu USD phần cứng. Số máy tính tiêu thụ trên thị trường đạt 1 triệu chiếc/năm, trong đó sản phẩm có thương hiệu chiếm 20%.
Kim ngạch nhập khẩu thiết bị tin học (không tính nhập khẩu phần mềm) năm 2003 đạt con số kỷ lục là 448 triệu USD, tăng 62% so với năm trước. Giá trị phần mềm nhập chính ngạch rất thấp, chỉ khoảng 7 triệu USD trong năm 2003.
Gia công và xuất khẩu phần mềm trong năm 2003 có nhiều dấu hiệu khởi sắc với điểm nóng là thị trường Nhật. Tuy nhiên, hiện những công ty có doanh số 1 triệu USD/năm trở lên vẫn còn rất ít.
Theo báo cáo, mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT trong năm 2003 cao, nhưng giá trị vẫn rất nhỏ bé. Đối với phần mềm/dịch vụ, các doanh nghiệp lớn nhất vẫn chỉ đang ở ngưỡng trên 5 triệu USD/năm. "Yếu điểm chưa thu hút được đầu tư từ các công ty phần mềm quốc tế lớn vẫn chưa được cải thiện vì nhiều chính sách liên quan đến môi trường hoạt động, thị trường, tài chính, nhân lực, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp phần mềm vẫn triển khai chậm và còn mang tính nửa vời", ông Tùng nhận định.
Trong khi đó, Internet lại phát triển đột phá. Sau 12 tháng, số người dùng Internet tăng gấp 3 lần và gần đuổi kịp tỷ lệ trung bình của châu Á. Báo cáo Toàn cảnh CNTT Việt Nam 2004 cho biết đã có 5 trang web tiếng Việt lọt vào top 10.000 website toàn cầu. Tính theo cả số người truy cập cũng như lưu lượng truy cập), thì VnExpress vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu, Tin tức Việt Nam đã bắt đầu vượt Việt Nam Net. Hai báo điện tử Thanh Niên và Tuổi Trẻ cũng vươn lên mạnh mẽ trong bảng xếp hạng.
Dung lượng kết nối Internet quốc tế tăng rất nhanh, chỉ trong 8 tháng (4/2003 -12/2003) đã tăng xấp xỉ 5 lần, từ 210 MB lên 1.038 MB. Trong đó, Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm 87,2%, FPT là 8,6%. VNPT dự kiến tăng thêm 200 MB nữa đi Nhật và Mỹ.
Tuy nhiên, các chỉ số quan trọng về viễn thông của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với chỉ số trung bình của thế giới và các châu Mỹ, Âu, Á, châu Đại Dương.
Theo ông Tùng, để đạt được con số trung bình của thế giới không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu giữ được tốc độ phát triển Internet như thời gian vừa qua, Việt Nam có thể đuổi kịp và đạt chỉ tiêu người dùng Internet trung bình của châu Á sau 1-2 năm nữa, và vì vậy trước mắt còn rất nhiều việc phải làm.
Nguyễn Hằng