Tuần đầu tháng 6, CDC cập nhật hướng dẫn phòng bệnh đậu mùa khỉ dành cho khách du lịch với khuyến cáo: "Hãy đeo khẩu trang. Điều này có thể giúp bạn phòng chống nhiều loại bệnh, trong đó có đậu mùa khỉ". Tối 6/6, CDC xóa khuyến cáo này khỏi hướng dẫn.
"CDC đã loại bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang đối với khách du lịch, bởi nó có thể gây hiểu lầm", cơ quan này giải thích trong một tuyên bố vào hôm sau.
Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến khích người tiếp xúc với bệnh nhân đậu mùa khỉ, nhân viên y tế tại các vùng dịch, nơi virus đang lan rộng "cân nhắc việc đeo khẩu trang". Hướng dẫn này cũng áp dụng cho "người tiếp xúc gần ca mắc đậu mùa khỉ đã được xác nhận". Trên trang web, CDC vẫn khuyến cáo bệnh nhân đậu mùa khỉ đeo khẩu trang y tế, "đặc biệt là những người có triệu chứng đường hô hấp" đồng thời yêu cầu các thành viên trong gia đình người bệnh "cân nhắc sử dụng khẩu trang".
Động thái của CDC cũng gợi ra khía cạnh ít được thảo luận trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới nhất: "Virus có thể lây truyền trong không khí, ít nhất là ở khoảng cách ngắn". Các chuyên gia cho rằng không khí chỉ là đường lây nhiễm nhỏ trong mô hình dịch tễ tổng thể. Tuy nhiên, họ chưa thể ước tính chính xác tỷ lệ là bao nhiêu.
Từ ngày 13/5 đến nay, thế giới ghi nhận hơn 1.000 ca đậu mùa khỉ. Trong các đợt bùng phát trước đây, phần lớn bệnh nhân từng tiếp xúc với người hoặc động vật mang virus. Nhưng một số trường hợp, lây truyền qua không khí là cách giải thích duy nhất.
Theo tiến sĩ Donald Milton, chuyên gia về virus tại Đại học Maryland, lây truyền qua không khí là lời giải thích hợp lý nhất trong đợt bùng phát đậu mùa ở New York vào năm 1947. Do luồng khí đối lưu trong tòa nhà, một bệnh nhân đã truyền virus cho người khác cách 7 tầng. Đợt dịch đậu mùa khỉ năm 2017 ở một nhà tù tại Nigeria, các nhà khoa học đã ghi nhận ca nhiễm ở hai nhân viên y tế không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.
Tuy vậy, trong các cuộc họp báo, giới chức y tế không đề cập rõ ràng về khả năng virus đậu mùa khỉ lây truyền qua không khí, cũng không khuyến nghị đeo khẩu trang bảo vệ. Họ nhấn mạnh bệnh chủ yếu lây qua giọt bắn hô hấp của người nhiễm bệnh, dính lên đồ vật.
Andrea McCollum, chuyên gia hàng đầu về đậu mùa khỉ của CDC Mỹ, cho biết một người cần tiếp xúc liên tục, trong thời gian dài với bệnh nhân mới có thể lây nhiễm. "Đây không phải loại virus có thể lây truyền xa vài mét. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải thực sự cẩn thận khi đưa ra phát ngôn", bà McCollum giải thích. Tuy nhiên, bà cho biết CDC có thể đề cập nhiều hơn đến khả năng lây truyền qua không khí của đậu mùa khỉ trong tương lai, khi đã xem xét kỹ lưỡng.
Hầu hết thông tin về bệnh đậu mùa khỉ được thu thập từ các nghiên cứu liên quan đến đậu mùa. Trong hai thập kỷ, các nhà khoa học đã tìm hiểu cách thức lây lan của virus, sự hiện diện của nó trong các giọt khí dung. "Hầu hết mọi người nghĩ rằng đậu mùa lây truyền qua các giọt khí lớn, nhưng thực tế nó vẫn có thể tồn tại trong các hạt khí siêu nhỏ", Mark Challberg, chuyên gia virus học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nhận định.
Tiến sĩ Milton khuyến nghị các bệnh viện lập kế hoạch phòng ngừa trong trường hợp virus lây truyền qua không khí. Khi đậu mùa khỉ tiếp tục phát triển, nhiều bệnh nhân sẽ cách ly tại nhà vì triệu chứng ho nhẹ. Các gia đình cần xem xét con đường lây truyền này để thực hiện biện pháp phòng tránh.
Hiện còn nhiều câu hỏi về bệnh đậu mùa khỉ chưa được giải đáp. Các nhà khoa học chưa rõ vì sao đợt bùng phát hiện nay chỉ gây triệu chứng tương đối nhẹ, liệu người không triệu chứng có thể truyền virus hay không, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng bao lâu, liệu nó có lây truyền qua tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo hay không...
Ở khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ khó tạo ra một đại dịch với mức độ tương tự Covid-19. Lý do, nCoV là loại virus RNA nhỏ, có thể lây lan qua khí dung. Còn đậu mùa khỉ là virus DNA lớn hơn, lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi, có tỷ lệ đột biến nhỏ hơn nhiều so với virus RNA.
Việc CDC đột ngột ban hành và rút lại khuyến nghị khẩu trang dành cho khách du lịch như trên khiến người ta nhớ về động thái của cơ quan này hồi đầu đại dịch Covid-19. Tháng 9/2020, CDC đã cập nhật hướng dẫn phòng chống Covid-19 cho rằng virus lây truyền qua không khí và đột ngột rút lại tuyên bố chỉ vài ngày sau đó. Đến tháng 5/2021, cơ quan này mới thừa nhận nCoV có thể "lơ lửng trong không khí từ vài phút đến hàng giờ".
Thục Linh (Theo NY Times)