Trong công trình đăng trên diễn đàn Virological.org, nhà khoa học Andrew Rambaut cùng các cộng sự đã phân tích mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân tại Singapore, Israel, Nigeria, Anh trong tháng 5 và so sánh nó với các mẫu kể từ năm 2017 đến năm 2919.
"47 mẫu trong khoảng thời gian ba đến 4 năm là con số lớn đến không tưởng. Vì đậu mùa khỉ được coi là loại virus lây truyền từ động vật sang người, đây có thể là bằng chứng cho thấy nó đã có sự thích nghi, tạo điều kiện lây truyền bền vững", tiến sĩ Rambaut nhận định.
Tuy nhiên, tiến sĩ Vinod Scaria, nhà khoa học cấp cao tại Viện Sinh học Tích hợp và Di truyền (CSIR-IGIB) của Delhi, Ấn Độ, cho biết chưa thể xác định rõ ràng về tỷ lệ đột biến của virus đậu mùa khỉ.
"Thống kê mỗi năm đến từ dữ liệu hạn chế khiến chúng ta khó xác định được điều này. Sự thiếu chính xác cũng xuất phát từ thực tế rằng virus đậu mùa khỉ chủ yếu là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bộ gene trước đây không phải do sự lây truyền lâu dài giữa người và người", tiến sĩ Scaria giải thích.
Ông Scaria cho rằng con số 47 đột biến lớn đáng kể so với dự kiến, nhưng tỷ lệ đột biến ước tính của đậu mùa khỉ có thể khác nhau khi lây lan cho các vật chủ khác nhau (động vật và con người). Virus cũng có nhiều đường tiến hóa trung gian, chưa thể giải trình tự để xác định chính xác con đường tiến hóa cụ thể.
Theo tiến sĩ Rambaut, nhiều đột biến phát sinh do hoạt động của một loại enzyme đặc biệt, có trong vật chủ để ngăn chặn virus nhân lên. Dựa trên kiểu đột biến trong bộ gene virus phân lập từ năm 2017, những thay đổi từ năm 2017 đến năm 2018 và đợt bùng phát 2022, ông cho rằng virus đã ngấm ngầm lây truyền trong cộng đồng ít nhất 5 năm.
47 đột biến cho thấy virus đậu mùa khỉ tiến hóa với tốc độ cao hơn nhiều so với trước đây (tỷ lệ trung bình là hai đến ba đột biến mỗi năm). Tuy nhiên, các đột biến không cho thấy đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn, hoặc nguy hiểm hơn, tiến sĩ Scaria cho biết.
"Những đột biến này không làm thay đổi các axit amin trong protein. Nếu virus thích nghi với áp lực tiến hóa, nó cần có các thay đổi trong axit amin. Điều này cho thấy đột biến đơn thuần do hoạt động của enzyme, không phải quá trình tiến hóa hoặc thích nghi của virus", ông Scaria giải thích.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đậu mùa khỉ đã lây nhiễm cho 257 người, 120 trường hợp nghi nhiễm ở 23 quốc gia, chưa có ca tử vong. Có hai chủng đậu mùa khỉ, gồm chủng có nguồn gốc từ Congo với tỷ lệ tử vong là 10% trên tổng số người mắc và chủng từ Tây Phi có tỷ lệ tử vong là 1%. Đợt bùng phát hiện nay chủ yếu là chủng từ Tây Phi với triệu chứng nhẹ.
Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ có khả năng lây lan ít hơn nhiều so với Covid-19. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ chạm lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh. Trong khi đó, nCoV và các biến chủng rất dễ lây lan, đặc biệt trong phòng kín, qua tiếp xúc, nói chuyện. Ngoài ra, bệnh này tương tự bệnh đậu mùa, có nghĩa là có thể phòng chống được bằng các biện pháp phòng chống đậu mùa.
Từ những lý do trên, WHO cho rằng bệnh đậu mùa khỉ không thể trở thành đại dịch như Covid-19.
Thục Linh (Theo Hindu)