Bác sĩ Ngô Thanh Hà, Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây nên. Các triệu chứng nói trên được gọi là "giả cúm", khiến bệnh khó nhận diện.
"Chúng ta cần dựa vào yếu tố dịch tễ như người đó có đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người đã mắc bệnh... để xác định có mắc đậu mùa khỉ hay không", ông Hà nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết thời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ thường là 5 đến 21 ngày. Quá trình nhiễm bệnh được chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn virus xâm nhập, kéo dài 5 ngày, triệu chứng đặc trưng là sốt, nhức đầu dữ dội, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau lưng đau cơ và suy nhược cơ thể (thiếu năng lượng).
Điểm khác biệt của đậu mùa khỉ so với các bệnh khác là nổi hạch. Những biểu hiện còn lại tương tự bệnh thủy đậu, sởi hoặc đậu mùa thông thường.
Giai đoạn thứ hai là phát ban trên da, thường biểu hiện trong một đến ba ngày kể từ khi bệnh nhân bị sốt. Phát ban có xu hướng tập trung nhiều ở mặt và tứ chi hơn là thân. Phát ban tiến triển tuần tự, từ việc rát da (chưa nổi mẩn) đến sẩn ngứa (các nốt mẩn nhô cao), sau đó là mụn nước (tổn thương dứa dịch bên trong) và mụn mủ (tổn thương chứa dịch vàng).
Hiện đậu mùa khỉ chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Do đó, bác sĩ Hà cho rằng người bệnh cần được cách ly, chăm sóc, điều trị càng sớm càng tốt. Mọi người nên thông báo cho cơ sở y tế hoặc cơ quan chức năng về tình trạng bệnh của mình và yếu tố dịch tễ để được điều trị kịp thời. Không nên chờ đợi đến khi bệnh trở nặng hoặc có dấu hiệu phát ban rồi mới đến khám, làm giảm hiệu quả điều trị.
Trước sự gia tăng các ca bệnh đậu mùa khỉ, nhiều người lo lắng, tìm mua loại các loại vaccine được cho là có thể phòng bệnh như đậu mùa, thủy đậu... Theo bác sĩ Hà, người dân nên chờ đợi thêm khuyến cáo từ Bộ Y tế và WHO để quyết định có tiêm chủng hay không.
Bác sĩ giải thích đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm hạn chế qua đường không khí. Một người sẽ mắc bệnh khi tiếp xúc với lượng lớn mầm bệnh, ví dụ nước bọt của người bệnh, máu, bề mặt chứa virus gây bệnh. Do đó, ông Hà khuyến cáo mọi người không nên quá lo lắng về dịch bệnh, tìm mua các phương pháp phòng bệnh chưa được giới chức khuyến cáo, hoặc quá chủ quan, không thực hiện phòng bệnh khi gặp người đi từ vùng dịch về. Một số biện pháp phòng bệnh đơn giản được khuyến khích là thường xuyên vệ sinh tay, đeo khẩu trang.
"Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, do đó chúng tôi nhấn mạnh khuyến cáo người đi từ vùng dịch về báo ngay cho cơ quan chức năng khi xuất hiện triệu chứng bệnh để được cách ly ngay, tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh", bác sĩ nói.
Đậu mùa khỉ đang bùng phát ở một số nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha... Tính đến 30/5, thế giới ghi nhận hơn 200 ca nhiễm, 117 ca nghi nhiễm ở 19 quốc gia, chưa có ca tử vong. Có 2 chủng đậu mùa khỉ, gồm chủng có nguồn gốc từ Congo với tỷ lệ tử vong là 10% trên tổng số người mắc và chủng từ Tây Phi có tỷ lệ tử vong là 1%.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế hôm 24/5 yêu cầu giám sát những người nhập cảnh về từ các quốc gia gồm Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Gabon, Ghana, Bờ biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Việc này nhằm phát hiện sớm ca nghi nhiễm, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Chi Lê