Ngoài Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng của của các bộ như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cũng có mặt tại buổi họp báo đặc biệt này. Cũng tại đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ đã có chủ trương tái cơ cấu toàn diện Vinashin để trả nợ, thu hồi vốn, giảm thiệt hại đến mức ít nhất có thể và tới năm 2014 sẽ có lãi.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/8. Ảnh: N.M. |
Ông Phúc cho biết khó khăn chủ yếu của tập đoàn này là sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến ảnh hưởng nặng nề về tài chính.
Năm 2008 do khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, Vinashin chịu tác động mạnh với số lượng hợp đồng bị hủy trị giá tới 8 tỷ USD. Riêng năm 2010, con số này là 700 triệu USD. Các dự án đầu tư quá dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết nên nhiều dự án chỉ được phân bố trên 50% tổng mức đầu tư. Vốn điều lệ còn hạn chế, vốn tự có trong nhiều dự án thấp, thậm chí có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay... Việc sử dụng vốn không hiệu quả như nêu trên đã gây hậu quả nặng nề về tài chính đối với Vinashin.
Để giải quyết khó khăn, tập toàn này đã vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn để trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là năm 2009, Vinashin kinh doanh thua lỗ. Tháng 6/2010, tổng tài sản của Vinashin khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng gánh khoản nợ 86.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ thấp lại sử dụng dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinashin gấp 11 lần. Vì thế, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, gần 17.000 công nhân bỏ việc, 5.000 người mất việc.
Theo dự kiến, Vinashin sẽ được tách làm 3. Ảnh Vinashin. |
Trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng yếu kém của Vinashin, ngoài nguyên nhân khách quan, thì những sai phạm nghiệm trọng của lãnh đạo tập đoàn mới là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra hậu quả như ngày nay, theo lời ông Phúc.
Biểu hiện cụ thể của những yếu kém sai phạm này là năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nóng không phù hợp với nguồn vốn, quản lý tài chính lỏng lẻo, ban hành nhiều quyết định trái quy định của pháp luật.
Thêm đó, Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề và tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo một số liệu khác nhau. Ông Phúc dẫn chứng, năm 2009 và quý I năm 2010, tuy thua lỗ nhưng Vinashin vẫn báo cáo lãi.
|
Người phát ngôn của Chính phủ bổ sung, việc quản lý Nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Theo ông Phúc, việc giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước là cần thiết nhưng thể chế, cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, quản lý tài chính hiện hành còn kém hiệu quả.
Từ 2006, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra việc huy động và sử dụng vốn của Tập đoàn. Đến 2008, 2009, nhiều phiên họp diễn ra để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho Vinashin. 12 đơn vị và 5 dự án của Vinashin được điều chuyển về Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải.
Nhờ nhiều biện pháp, các dự án về Tập đoàn Dầu khí được tái khởi động. 1.000 trong số 6.000 công nhân nghỉ việc ở nhà máy đóng tàu Dung Quất quay lại làm việc. Cách đây không lâu, Vinashin bán 4 con tàu đóng mới trị giá gần 110 triệu USD (tàu lớn nhất 56.000 tấn) cho khách hàng và đang dồn sức hoàn tất những tàu dở dang. Tập đoàn lên kế hoạch sẽ hạ thủy tàu chở dầu 104.000 tấn vào tháng 10/2010.
Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện để trả được nợ, thu hồi vốn với mục tiêu thiệt hại ít nhất có thể. Yêu cầu được đặt ra là không để sự việc Vinashin ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế.
Trong số các nhóm giải pháp được công bố tại buổi họp chiều nay, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về mặt tài chính, Nhà Nước sẽ cấp đủ vốn cho Vinashin vay để trả các khoản nợ nước ngoài đến hạn. Nhiệm vụ của Vinashin là cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang để tìm cách hoàn trả vốn vay. "Sau khi tính toán sơ bộ, hội đồng quản trị Vinashin dự báo các năm 2010-2012 sẽ còn lỗ nhưng năm 2013, 2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định", ông Phúc nói.
Việc xử lý các cá nhân có sai phạm sẽ được các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm toán. Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xử lý sẽ diễn ra nghiêm minh, đúng pháp luật. Ban chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trên sẽ do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phụ trách.
Nhóm phóng viên