Những rối ren tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) là nội dung được đặc biệt chú ý tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối 4/8, bên cạnh các thông tin tích cực về tình hình kinh tế xã hội cả nước tháng 7. Sự có mặt của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, cùng Bộ trưởng và Thứ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo 2 tập đoàn nhận bàn giao dự án của Vinashin khiến cuộc họp báo thường kỳ trở nên quy mô và quan trọng khác thường. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, người chủ trì việc tái cơ cấu Vinashin, trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí chỉ ít phút trước khi cựu chủ tịch tập đoàn Phạm Thanh Bình bị bắt.
- Những vấn đề về hoạt động của Vinashin vốn không mới và đã được dư luận nêu ra từ lâu. Phó thủ tướng cho biết tại sao đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức có kết luận thì Chính phủ mới thực hiện những động thái quyết liệt?
- Việc phát hiện và xử lý các vấn đề của Vinashin thực ra đã được Chính phủ tiến hành theo một quá trình. Công tác thanh - kiểm tra thực tế đã được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ kiểm soát chưa chặt, phát hiện chưa kịp thời và có giải pháp ngăn chặn đúng lúc.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu ra 3 bài học mà Chính phủ rút ra sau vụ Vinashin. Ảnh: N.M |
Chẳng hạn như việc Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi.
Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém . Yếu kém này là do cơ chế.
- Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến Vinashin như ngày hôm nay?
- Chính phủ đã thảo luận kỹ các nguyên nhân, từ phía doanh nghiệp, lãnh đạo tập đoàn, quản lý nhà nước và tình hình khách quan. Những khó khăn khách quan từ thị trường thế giới khá nghiêm trọng. Quản lý nhà nước cũng có vấn đề. Nhưng nguyên nhân chủ quan, từ bên trong là quan trọng nhất. Nếu chúng ta có một tập đoàn khỏe, một đội ngũ lãnh đạo giỏi, và quản lý nhà nước có năng lực tốt hơn thì bên ngoài có khó khăn thế nào cũng không thể khiến tập đoàn suy sụp.
- Chính phủ đánh giá thế nào về vi phạm của cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình và ban lãnh đạo Tập đoàn trong các sai phạm của Vinashin?
- Ông Bình vừa là Chủ tịch, vừa là Tổng giám đốc trong một thời gian dài của Vinashin, do đó, có trách nhiệm trực tiếp trong các sai phạm của tập đoàn này. Sai phạm của ông Bình sẽ được kiểm điểm, đánh giá, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm, nếu có của các thành viên khác trong ban lãnh đạo Vinashin.
- Số phận Vinashin sắp tới sẽ được quyết định ra sao?
- Tình hình tại Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết của chúng ta. 104.000 tỷ đồng tài sản nếu cơ cấu lại, đưa vào hoạt động được, sử dụng nó, thu hồi được vốn, chúng ta phát triển được công nghiệp tàu thủy. Nếu chúng ta cho phá sản, thì số tài sản này, những nhà máy, xưởng sản xuất sẽ trở thành đống sắt vụn.
Đất nước ta có lợi thế về cảng biển, vì vậy hàng hỉa là ngành kinh tế cực kỳ quan trọng. Chúng ta vẫn quyết tâm xây dựng cơ khí đóng tàu, ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước. Nếu chúng ta cho phá sản Vinashin, thì chúng ta vẫn phải phát triển những đơn vị mới để đóng tàu, làm hàng hải.
Vinashin sẽ tái cơ cấu theo hướng thu hẹp ngành sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực chính và không làm vận tải biển nữa. Trước mắt, Vinashin sẽ chỉ tập trung vào 13 dự án, mấy chục dự án còn lại sẽ xem xét xử lý. Đối với các công ty đã có vốn thì bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để thu hồi vốn trả nợ và tập trung nguồn lực cho các dự án chính. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất trên nền đã có. Dự kiến đến 2012 thì Vinashin sẽ hết lỗ, 2013-2014 bắt đầu có lãi, 2015 thì ổn định hơn và chúng ta sẽ có một Vinashin mới, không còn đa ngành theo kiểu cũ mà đủ sức phát triển ngành công nghiệp tàu thủy.
- Phó Thủ tướng có thể cho biết hướng xử lý và nguồn tiền để giải quyết các khoản nợ của tập đoàn này?
- Các cơ quan liên ngành đang tiếp tục xác định từng khoản nợ của Vinashin. Số liệu đã biết cho thấy ngoài phần trái phiếu Chính phủ, còn có khoảng 600 triệu USD Tập đoàn này tự vay của nước ngoài, không có bảo lãnh của Chính phủ.
Chủ trương của Chính phủ là tập trung hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp để tập đoàn sớm sòng phẳng về nợ nần. Nhà nước sẽ cấp thêm vốn cho Vinashin để đảm bảo có đủ vốn điều lệ. Bản thân Vinashin phải tự cân đối trong nội bộ, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Việc chuyển bán các tài sản, cổ phần hóa các công ty con sẽ tạo nguồn để tập đoàn trả nợ. Những dự án đang sản xuất thì tiếp tục đầu tư, tiếp tục cho vay. Phần lớn các khoản nợ nước ngoài đều chưa đến hạn trả nợ. Nếu vực lại sản xuất, tập đoàn có lãi, sẽ tự trả được nợ khi đến hạn.
Chính phủ nếu thấy cần có thể phát thêm hành trái phiếu cho Vinashin vay. Khi Tập đoàn này tự cân đối được thì trả lại.
- Sau vụ việc của Vinashin, Chính phủ đã rút ra được bài học gì về công tác quản lý các Tập đoàn kinh tế?
- Bài học đầu tiền là việc phân cấp quyền cho Chủ tịch Tập đoàn, Hội đồng quản trị trực tiếp ra quyết định đầu tư. Đúng ra, quyết định này phải được thực hiện trong quy hoạch được duyệt, danh mục được cho phép. Khuyết điểm của Vinashin là đầu tư đa ngành, đa nghề. Cơ chế hiện nay cho phép đa ngành đa nghề nhưng lại không nói rõ là gồm những ngành nghề gì, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Điều này hiện đã được rút kinh nghiệm.
Ngoài ra quy định, quy chế kiểm toán bên trong vẫn còn nhiều vấn đề. Trách nhiệm cơ quan quản lý là ở chỗ đó.
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) có vai trò rất quan trọng trọng việc tái cơ cấu Vinashin. Hai đơn vị này liệu có gặp khó khăn gì trong việc tiếp nhận các dự án của Vinashin hay không?
- Một trong những nội dung tái cơ cấu Vinashin là doanh nghiệp này không làm vận tải biển nữa. Trong khi đó, Vinalines lại là doanh nghiệp nhà nước, ngành chính là kinh doanh vận tại biển. Như vậy việc chuyển giao nội dung này cho Vinalines là chuyển về đúng chỗ.
Đây là cách làm tốt. Những vấn đề Vinashin gây ra, khi tiếp nhận, Vinalines có thể gặp khó khăn ban đầu. Những con tàu đã mua, bị hỏng hoặc cũ sẽ tạo ra mất mát. Nhưng Vinalines là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc quản lý, vận hành, sửa chữa và kinh doanh hàng hải cho nên điều này không đáng lo.
Vinalines nhận của Vinashin 36 tàu thì theo báo cáo, 26 tàu đã bắt đầu hoạt động trở lại. Số còn lại sẽ được sắp xếp. Trách nhiệm của Vinalines nặng nhưng việc có thêm tàu cũng là trợ lực, thuận lợi cho đơn vị này.
Nhật Minh - Song Linh