Thông tin trên vừa được ông Lê Hồng Hà, CEO Vietnam Airlines chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường sáng nay (14/12). Tại đại hội, các lãnh đạo Vietnam Airlines đã nhận được nhiều câu hỏi từ cổ đông về tình hình sức khoẻ hãng bay, định hướng kế hoạch tái cơ cấu, thanh lý tài sản... trong bối cảnh thị trường hàng không năm nay còn khó khăn hơn năm 2020.
Ông Lê Hồng Hà cho biết, hồi tháng 7, hãng này có 106 tàu bay. Đến nay, Vietnam Airlines đã bán được 2 tàu bay A321, đội bay còn 104 chiếc, trong đó có 29 tàu thân rộng, 7 tàu ATR-72, còn lại là thân hẹp.
Theo ông Hà, doanh nghiệp này dự báo đến năm 2025 vẫn tiếp tục dư thừa tàu bay. Năm tới, Vietnam Airlines dự kiến thừa 8 tàu thân rộng, 22 tàu thân hẹp. Do vậy, hãng đang tiến hành tái cơ cấu lại đội bay, cũng như đàm phán với bên cho thuê có các phương án hỗ trợ như huỷ, lùi lịch nhận tàu bay đến sau năm 2023, giảm chi phí, giãn thanh toán. Đồng thời, hãng tiếp tục xây dựng phương án bán máy bay.
"Tháng 12, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72, cuối tháng sẽ rõ kết quả. Từ năm 2022 đến cuối 2023, 12 chiếc A321 sẽ tiếp tục được bán thêm", ông Hà thông tin. CEO Vietnam Airlines giải thích kế hoạch này nhằm bán bớt tàu bay hãng đang sở hữu và đẩy sớm hơn quá trình hiện đại hoá đội bay, thay thế cho những tàu trên 12 năm tuổi.
Giai đoạn vừa qua, để tàu bay không phải "nằm đất", cũng như tận dụng cơ hội từ thị trường hàng hoá, Vietnam Airlines đã tháo ghế 8 máy bay thân rộng và 7 máy bay A321 để chờ hàng. Ông Hà cho biết doanh thu từ chở hàng của hãng năm nay ước đạt xấp xỉ 8.000 tỷ đồng - cao hàng đầu trong nhóm các hãng bay Đông Nam Á. Vietnam Airlines đặt mục tiêu đưa bộ phận vận tải hàng hoá tự cân đối được thu chi và hướng tới việc lập hãng bay chở hàng như kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua hồi tháng 7.
Lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá thị trường nội địa vẫn yếu dù đã kích cầu khi hệ số sử dụng ghế trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM những ngày gần đây ở mức 60 - 62%, còn các đường bay khác chỉ 50 - 55%. Ông Hà cho biết, hãng dự báo thị trường nội địa năm 2022 sẽ bằng 70-75% thời điểm trước dịch năm 2019, còn quốc tế bằng khoảng 25% và sẽ tăng dần từ quý IV năm sau.
"Thị trường nội địa sẽ quay về mức trước dịch vào năm 2023, thị trường quốc tế là năm 2024", ông Hà nói và cho rằng những dự báo này đều được dựa trên những tính toán của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA).
Để chuẩn bị cho việc bay quốc tế trở lại sắp tới, Vietnam Airlines vẫn đang làm việc rất sát với Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải, ngành du lịch. Hãng này xác định các thị trường quan trọng để mở đường bay là Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng xem xét báo cáo để mở thêm đường bay từ Mỹ, châu Âu bởi lượng người Việt học tập, làm việc có nhu cầu về quê ăn Tết rất lớn.
Tại phiên họp hôm nay, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong Đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ của doanh nghiệp này. Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả lĩnh vực, gồm 7 nhóm giải pháp.
Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...
Về phương án phát hành trái phiếu, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, hãng bay này đang làm việc với các công ty tư vấn để tính toán phương án phát hành trái phiếu ra công chúng hay riêng lẻ, trong nước hay quốc tế. Ông Hiền cho biết hiện vẫn chưa chốt phương án cuối cùng, nhưng định hướng là phát hành giúp Vietnam Airlines có nguồn vốn ổn định, với thời gian đủ dài.
Ông cũng thông tin đến nay hãng đã giải ngân được khoảng 60% gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ. "Gói hỗ trợ cực kỳ kịp thời, giúp Vietnam Airlines vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, không bị rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán", ông Hiền nói.
Tuy nhiên, ông cho biết, dòng tiền của hãng vẫn tiếp tục khó khăn vì gói hỗ trợ chỉ đủ để bù đắp cho thiệt hại của năm 2020, không đủ bù cho cả năm nay. Theo Kế toán trưởng Vietnam Airlines, hãng đang đặt mục tiêu duy trì tình trạng tài chính tốt nhất có thể, trong đó có duy trì vốn chủ sở hữu ở mức dương khi kết thúc năm nay.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Vietnam Airlines cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian và tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Chủ tịch Vietnam Airlines, Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh, trong tái cơ cấu, thì tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp là quan trọng nhất, giảm trung gian để doanh nghiệp ra quyết định nhanh hơn. Theo ông Hoà, Vietnam Airlines đã tinh giản được 70 phòng, ban, giúp cắt giảm 600 tỷ đồng chi phí. Với kế hoạch thoái vốn, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết kiên quyết thoái vốn tại những công ty không hiệu quả, nhằm tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Ngoài kế hoạch tái cơ cấu, Vietnam Airlines cũng bầu lại thành viên HĐQT Tạ Mạnh Hùng, bầu bổ sung 2 thành viên là ông Trương Văn Phước và ông Đinh Việt Tùng. Ông Phước, thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là thành viên HĐQT độc lập. Còn ông Tùng là thành viên HĐQT đại diện phần vốn của SCIC. Hiện ông Tùng làm Phó tổng giám đốc SCIC, Chủ tịch Licogi, Chủ tịch Bảo Minh.
Anh Tú