Vietnam Airlines cho biết, với ưu thế là sàn thương mại điện tử của một hãng hàng không, Vnamall sẽ mang đến những sản phẩm đậm dấu ấn hàng không, cũng như tận dụng được khả năng kết nối của gần 100 đường bay trong và ngoài nước của hãng.
Hiện tại, sàn thương mại điện tử này có hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines... Trong đó, khách hàng cũng có thể đặt mua và trải nghiệm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ của hàng không.
"Với sản phẩm đa dạng, liên tục được cập nhật, Vnamall sẽ giúp hoàn thiện chuỗi trải nghiệm của khách hàng ngày càng đa dạng và hiệu quả hơn", đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ra mắt trang thương mại điện tử trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, Deloitte Việt Nam nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines, phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và được gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, cho thuê cũng như diễn biến Covid-19.
Tính đến giữa năm nay, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 2.800 tỷ đồng.
Trước Vietnam Airlines, năm 2019, Vietjet cũng cho biết có kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Hãng bay giá rẻ này dự định bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn và các doanh nghiệp để ra mắt dịch vụ, nhưng hiện nay kế hoạch này vẫn chưa thành hiện thực.
Anh Tú