- Gặp Bahrain có lẽ là trận đấu khó khăn nhất của Việt Nam trong chặng đường đã qua ở Asiad năm nay. Ông phân tích thế nào về trận đấu này?
- Cần thừa nhận là Bahrain không yếu như chúng ta nghĩ. Họ nhập cuộc tự tin, bằng tâm lý thoải mái và sự vượt trội về thể hình, thể lực. Bahrain đã chọn lối chơi áp sát nhanh, khiến lối chơi của Việt Nam bị phá vỡ. Rõ ràng, chúng ta đã có nhiều thời điểm lúng túng. Trong hiệp một, Bahrain là đội có nhiều cơ hội nguy hiểm hơn. Họ hai lần đưa bóng trúng xà ngang, một lần tìm được mành lưới nhưng không được công nhận và có một pha đối mặt với thủ môn Bùi Tiến Dũng. Ở tuổi 21, nhưng họ thi đấu chững chạc và tổ chức thế trận chặt chẽ. Nếu không mất người sớm, chưa biết Bahrain còn gây ra những khó khăn nào.
Việt Nam thì bước vào trận với nhiều khó khăn. Thứ nhất là lực lượng, Đình Trọng và Hùng Dũng không thi đấu, khiến hệ thống phòng ngự bị xộc xệch. Cặp tiền vệ trung tâm của Việt Nam là Xuân Trường và Quang Hải không mạnh về tranh chấp nên khi bị đẩy vào thế giằng co, bất lợi lộ ra. Thứ hai về chất lượng đội dự bị. Khi kéo Văn Hậu vào trung lộ, để Đức Huy đá cánh trái và cho Xuân Trường thay Hùng Dũng, Việt Nam không còn kiểm soát thế trận tốt như vòng bảng. Đội cần thêm thời gian để bắt nhịp với vị trí mới và bộ khung có sẵn. Thứ ba là điểm yếu bên cánh phải. Bahrain đã nhìn ra và hai cơ hội nguy hiểm trong hiệp một đều đến từ cánh này. Văn Thanh phạm lỗi dẫn đến quả phạt mà Bahrain đã đưa được bóng vào lưới Tiến Dũng. Sau đó, họ còn một lần thoát xuống đối mặt với thủ môn Tiến Dũng. Thứ tư là Văn Hậu không có cảm giác vị trí tốt nên hay phạm lỗi ở khu vực nguy hiểm, dù thể hình của cầu thủ này rất lý tưởng.
- Trận này, Văn Hậu được kéo vào đá trung vệ thay Đình Trọng, dù ghế dự bị còn một trung vệ thực thụ là Văn Lợi. Có vẻ ông Park Hang-seo đã cầu toàn?
- Văn Lợi là một cầu thủ mới. Với một trận đấu có tính chất quan trọng như gặp Bahrain, xếp một người mới đá chính là rất mạo hiểm. Thêm nữa là Văn Hậu từng đá trung vệ và chơi khá tròn vai. Nếu là ông Park, có lẽ tôi cũng lựa chọn như vậy.
- So với vòng bảng, khả năng cầm bóng của hàng tiền vệ Việt Nam trận này không đảm bảo. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Qua ba trận vòng bảng, Việt Nam chưa gặp đối thủ nào nhanh, mạnh và đá rát như Bahrain. Trước đó ở giải giao hữu U23 quốc tế, chúng ta cũng gặp khó khăn khi Uzbekistan dùng lối chơi này và ghi được bàn mở tỷ số. Trận này Xuân Trường trở lại và được giao quán xuyến tuyến giữa. Nhưng không riêng gì cậu ấy, cả đội đều gặp vấn đề với kiểu đá thiên về thể lực của đối phương. Phải đến khi được chơi hơn người và thể lực của Bahrain không còn được đảm bảo, cơ hội cho Việt Nam mới nhiều hơn.
Sự lúng túng trước Bahrain không phải vì Ban huấn luyện chuẩn bị không tốt. Tôi nghĩ vấn đề đơn giản nằm ở thể lực. Khi sức cầu thủ bị bào mòn, lại gặp ngay đối thủ giỏi vây ráp và đá quyết liệt, Việt Nam không còn giữ được sự thanh thoát.
- Tại sao Việt Nam không đẩy nhanh tốc độ tấn công ngay đầu hiệp hai, khi được chơi hơn người?
- Theo tôi, lựa chọn ấy đến từ nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là chúng ta không đủ người phù hợp, sau khi mất Đỗ Hùng Dũng. Khi không có được lựa chọn tốt nhất ở từng vị trí, điều chỉnh chiến thuật dù hay đến mấy vẫn có độ trễ. Sự kết dính giữa các tuyến không thể cao như lúc mình đủ người. Thành ra cầu thủ dù quyết tâm, vẫn không thể lấn lướt đối thủ. Tôi nghĩ chiến thắng trước Bahrain xứng đáng, nhưng để gọi là thuyết phục thì chưa.
- Công Phượng gần như mất hút trên hàng công Việt Nam sau khi sút hỏng hai quả phạt đền ở trận ra quân gặp Pakistan, nhưng lại toả sáng với bàn quyết định vào lưới Bahrain. Ông nghĩ sao về cầu thủ này?
- Cá nhân tôi đánh giá cao cái tài của HLV Park Hang-seo. Ông ấy biết khi nào xếp cầu thủ đá chính, khi nào cho dự bị. Như trận gặp Bahrain này, nhiều người khen Công Phượng nhưng nếu tung cậu ấy vào từ đầu, liệu có hiệu quả? Tôi nghĩ Công Phượng đã hưởng lợi từ chính các đồng đội. Họ đã quần cho Bahrain mệt mỏi, để khi vào sân, tốc độ và khả năng đột phá của Công Phượng được phát huy. Hay như Anh Đức, nhiều người chê cậu ấy không có đóng góp gì. Nhưng nếu Anh Đức không tranh chấp và phá sức hàng thủ Bahrain, Đức Chinh chẳng thể có nhiều khoảng trống để khai thác trong hiệp hai.
Bàn thắng của Công Phượng đẹp, xứng đáng với thế trận ép sân của Việt Nam. Nhưng điều ấy không có nghĩa là cậu ấy phải được đá chính. Trong tay HLV Park Hang-seo có nhiều con bài tấn công. Việc dùng ai, khi nào và chơi ra sao phụ thuộc vào nghệ thuật huấn luyện của ông ấy. Bóng đá là môn thể thao tập thể, kết quả là đóng góp của toàn bộ mọi người, và với đội hình Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ không nên ca ngợi các cầu thủ một cách quá đáng.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng đọc trận đấu của HLV Park Hang-seo, nhất là khi nhà cầm quân người Hàn Quốc tung Công Phượng và Văn Toàn vào sân, và cả hai cầu thủ này đã phối hợp dẫn tới bàn thắng?
- Thực tế, đó là lựa chọn duy nhất của ông Park trong việc thay người. Còn ai ngoài Đức Chinh, Công Phượng, Văn Toàn có thể làm mới hàng công đâu? Nhiều người sẽ nghĩ tới Minh Vương, nhưng cậu ấy dự bị cho Quang Hải. Chừng nào còn Quang Hải trên sân, tôi nghĩ ông Park chưa tính đến điều chỉnh này. Ngoài ra, thời gian tập luyện của Minh Vương với đội Olympic khá ngắn. Cậu ấy chưa thể thấm được triết lý của HLV Park Hang-seo như các đồng đội từng khoác áo đội U23. Ông Park tăng cường tấn công nhưng vẫn dừng ở vùng an toàn.
Dưới góc nhìn của tôi, việc điều chỉnh của ông Park đơn giản là thay những cầu thủ tấn công chưa hiệu quả ra sân. Nếu Bahrain còn đủ người, và Việt Nam điều chỉnh đúng, có lẽ chúng ta có nhiều cái để nói hơn.
- HLV Park Hang-seo sau trận có nói là chuyển sơ đồ sang 4-4-2 trong hiệp hai. So với chiến thuật 3-4-3 lúc nhập cuộc, chiến thuật mới có gì khác?
- Lựa chọn ấy đơn giản thôi, bởi Bahrain còn 10 người và chỉ cắm một tiền đạo ở trên. Việt Nam đâu cần tới ba trung vệ làm gì. Để Văn Hậu ra cánh, trả Đức Huy lên đá tiền vệ trung tâm với Xuân Trường, sau đó là Quang Hải, tăng cường sức tấn công. Phương án 4-4-2 là phù hợp với tình thế lúc đó, để Việt Nam có thêm sức ép từ hai cánh và mở rộng phạm vi chơi bóng. Còn nếu Bahrain vẫn đủ người, tôi tin chúng ta vẫn chơi 3-4-3 thôi. Rõ ràng, hiệp một họ chơi tốt hơn và Việt Nam cũng có những sự dè chừng nhất định để đảm bảo an toàn.
- Thắng Bahrain nhưng Việt Nam không tạo được cảm giác lấn lướt giống như vòng bảng. Phải chăng nó xuất phát từ tính chất căng thẳng của vòng loại trực tiếp, hay vì một nguyên nhân nào khác?
- Số đông người hâm mộ Việt Nam đã nghĩ là sẽ thắng dễ Bahrain, nhưng thực tế, đội bóng này hiểu Việt Nam rất tường tận, chứ không như HLV của họ phát biểu rằng "Không biết gì về Việt Nam". Họ rất biết mình biết người. Còn chúng ta gặp nguyên nhân khách quan về lực lượng, thiếu Đình Trọng và mất Hùng Dũng, dẫn đến cảm giác như trên.
Sau ba trận vòng bảng, Việt Nam không còn là ẩn số nữa. Đối thủ bây giờ biết phải phòng ngự với Anh Đức, Quang Hải, Văn Quyết hay Văn Đức như thế nào. Chúng ta biết bắt bài họ, thì họ cũng biết làm như thế, thậm chí tốt hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Việt Nam thắng được Bahrain là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cực lớn.
Ngoài ra, sau một vài chiến thắng ở giải trẻ như Asiad, nhiều người đã quên Việt Nam là một nền bóng đá như thế nào, và đứng ở đâu tại châu lục. Cứ nhìn trận gặp Bahrain là rõ. Họ chỉ dùng đội U21, còn chúng ta chỉ cần thêm Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải hay Đinh Thanh Trung nữa là thành đội tuyển quốc gia rồi. Sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam là có, nhưng chưa tới mức ghê gớm. Chúng ta không nên lạc quan tếu mà ngộ nhận về thực lực.
- Qua trận đấu với Bahrain, điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam, theo ông là gì?
- Điểm mạnh nhất là tinh thần. Dù thiếu người và không có thể lực sung mãn, các cầu thủ vẫn nỗ lực đá theo lối chơi của Ban huấn luyện. Thứ nữa là Ban huấn luyện có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Điểm yếu là phương án B, nếu cầu thủ chính không đá được hoặc gặp đối thủ gây nhiều khó khăn. Bahrain đá khó chịu nhưng chưa phải là đội mạnh. Sắp tới, Việt Nam còn chạm trán Syria, và nếu qua được sẽ gặp Uzbekistan hoặc Hàn Quốc. Bài học trước Bahrain là bổ ích để chúng ta rút kinh nghiệm cho những trận kế tiếp.
Thắng Nguyễn