Số liệu này nêu trong báo cáo sản xuất công nghiệp, thương mại 8 tháng đầu năm vừa được Bộ Công Thương công bố, ngày 1/9.
"Dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố kéo dài giãn cách xã hội, đã ảnh hưởng tiêu cực tới xuất nhập khẩu", Bộ Công Thương nhận xét.
Tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 53,7 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng 7. Nhưng nhờ tăng trưởng cao những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng dương, hơn 27% so với cùng kỳ 2020, đạt trên 428,8 tỷ USD. và nhập khẩu 216,26 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng, song thâm hụt thương mại tiếp tục tăng trong tháng 8, với 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, Việt Nam nhập siêu 3,7 tỷ USD. Góp phần vào thâm hụt thương mại là khu vực doanh nghiệp trong nước khi nhập siêu 20,36 tỷ USD trong 8 tháng, còn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Giải thích việc nền kinh tế tiếp tục nhập siêu tháng thứ 4 liên tiếp từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương lập luận, chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm, trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm.
Tin rằng nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ mùa mua sắm những tháng cuối năm 2021, nhất là với ngành điện tử, đồ gỗ, dệt may, thuỷ sản..., Bộ Công Thương dự báo cán cân thương mại sẽ cải thiện dần thời gian tới.
Về xuất khẩu, tháng 8 đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước. Cả khu vực trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm xuất khẩu trong tháng 8, lần lượt là 10% (6,9 tỷ USD) và 4,5% (19,3 tỷ USD).
Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như điện thoại, máy móc, thiết bị, phụ tùng hay máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... biến động trái chiều trong tháng 8. Nhóm hàng điện thoại tăng 10,5%, đạt gần 6 tỷ USD; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng gần 13%... Ngược lại, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu giảm 12%; dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép giảm 38,5%...
Tính chung 8 tháng, xuất khẩu cả nước đạt khoảng 212,55 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 62 tỷ USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 2 với 32,7 tỷ USD, tăng 19,6%; còn EU đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, tăng 14%...
Ở chiều nhập khẩu, hàng hoá tháng 8 đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 7. Trong đó, khu vực trong nước giảm gần 6%, chỉ đạt 9,65 tỷ USD, còn khu vực có vốn nước ngoài đạt 17,85 tỷ USD, giảm 5,4%.
8 tháng, nhập khẩu đạt 216,26 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, 72,5 tỷ USD tăng 47% so với cùng kỳ 2020. Đứng sau là Hàn Quốc (34,6 tỷ USD), ASEAN (28 tỷ USD), EU (10,9 tỷ USD), Mỹ (10,3 tỷ USD).
Về thương mại trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 279.800 tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,04 triệu tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ 2020 giảm 5,8%).
Anh Minh