Quan điểm này được ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương nêu tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, chiều 16/6.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt hơn 131 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 131,6 tỷ USD (tăng gần 37% so với cùng kỳ).
Nhưng khác với 4 tháng trước Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD thì sang tháng 5 đã nhập siêu 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng Việt Nam nhập siêu gần 370 triệu USD.
Trước xu hướng này, ông Đỗ Thắng Hải nói "không đáng quan ngại và không có gì bất thường", bởi nhập siêu chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, tới 90%.
Thứ trưởng Công Thương phân tích, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu tăng là tất yếu.
Với nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm trong 5 tháng đầu năm đạt gần 8,5 tỷ USD, chiếm gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Ông Hải nói, cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.
Năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020. Thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hoá có thể sẽ cân bằng lại vào những tháng tới.
Dù thế, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.
Bộ cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các hiệp định FTA, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.
Anh Minh