Trong buổi họp báo ngày 9/10, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Tuần lễ Cấp cao APEC cuối năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ chiếm tới 50% hoạt động trong sự kiện.
Các sự kiện thường niên của APEC là Kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) và Đối thoại giữa ABAC với các lãnh đạo APEC. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, ông Lộc cho biết Việt Nam sẽ tổ chức thêm 2 sự kiện nữa.
Một là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS). Đây là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Nội dung chủ yếu của VBS là bàn bạc về cơ hội kinh doanh. Ông Lộc cho biết 20 CEO hàng đầu thế giới có thể tham gia phát biểu tại VBS. Hội nghị này sẽ tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành.
Chủ đề của VBS năm nay là Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy. Hội nghị sẽ thảo luận về 6 chủ đề, gồm Nông nghiệp bền vững và thông minh; Tài chính cho phát triển; Y tế và Giáo dục; Cơ sở hạ tầng; Đặc khu kinh tế; Khởi nghiệp và đổi mới - sáng tạo.
Sự kiện thứ hai là các cuộc đối thoại bên lề về thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Mục tiêu là tìm kiếm cơ hội hợp tác và bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp với các nước.
Những việc này sẽ giúp nhân đôi giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp tại diễn đàn APEC, cũng như giá trị của Việt Nam khi đăng cai. Theo dự kiến, khoảng 1.200 lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tới.
APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới. Dù vậy, Việt Nam lại là "điển hình thành công của toàn cầu hóa", lãnh đạo VCCI nhấn mạnh. Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, các nền kinh tế APEC sẽ cần bàn bạc để tìm ra cách giúp toàn cầu hóa "mềm mại hơn, nhân văn hơn" để không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh đó, APEC vẫn cần phát huy vai trò vườn ươm khởi nghiệp của thế giới, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế.
Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm nay đã thông báo kết quả kỳ họp lần 3 của ABAC tại Canada. Theo đó, các đại biểu đã đưa ra khuyến nghị tới lãnh đạo APEC về ưu tiên của doanh nghiệp trong khu vực. Nội dung chính gồm Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Tăng cường kết nối thể chế, hạ tầng và con người; Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa - nhỏ - siêu nhỏ và phụ nữ tham gia kinh tế.
Hà Thu