Từ ngày 19 đến 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Hội An (Quảng Nam). Khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế sẽ tham dự sự kiện này. Ngoài các Bộ trưởng, lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương 21 nước thành viên, các hội nghị còn có đại diện những tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nội dung chính của các cuộc thảo luận là tình hình kinh tế - tài chính vĩ mô toàn cầu và khu vực, cũng như kết quả quá trình hợp tác tài chính về 4 chủ đề ưu tiên trong năm. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng sẽ có phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và lãnh đạo cao cấp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực.
4 chủ đề ưu tiên hợp tác năm 2017 đã được đề ra từ Hội nghị các Thứ trưởng và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương hồi tháng 2. Một là tìm biện pháp huy động vốn dài hạn của khu vực tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hai là chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Ba là các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai và bù đắp thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Cuối cùng là hướng phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, nhằm giảm nghèo.
Từ đầu năm, quan chức tài chính APEC đã có nhiều cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11. Đó là Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương (FCBDM) tháng 2 tại Nha Trang và Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp (SFOM) tháng 5 tại Ninh Bình.
Năm APEC 2017 gồm 200 hoạt động lớn, nhỏ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11 tại Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 20 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và phu nhân, phu quân; 42 Bộ trưởng ngoại giao, kinh tế, các trưởng đoàn đại diện cho các Tổ chức quốc tế và khoảng 10.000 đại biểu (doanh nghiệp, phóng viên….).
Hà Thu