Phát biểu tại lễ ký kết hôm 18/2, ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics, cho biết việc hợp tác với VNVC giúp Substipharm Biologics mở rộng cơ hội mang nhiều vaccine về Việt Nam. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết sự kiện là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của các bên về việc cùng nhau sớm đưa về Việt Nam loại vaccine mới, có nguồn cung ứng đầy đủ để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Cũng tại buổi ký kết, VNVC và Substipharm Biologics thống nhất cùng nỗ lực sớm đưa về Việt Nam thêm nhiều vaccine mới, đặc biệt là vaccine tay chân miệng. Hai bên hướng tới tăng cường trao đổi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lâm sàng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp dự phòng bệnh.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC (phải) và ông Hervé Profit, Giám đốc Cấp cao, Công ty Substipharm Biologics (Thụy Sĩ) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: VNVC
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine phòng bệnh tay chân miệng được khuyến nghị cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi. Vaccine được chứng minh an toàn, có hiệu quả bảo vệ đến gần 97%, duy trì miễn dịch lâu dài giúp chống lại bệnh tay chân miệng do chủng EV71 gây ra.
Hiện vaccine tay chân miệng đang chờ Bộ Y tế cấp phép để lưu hành. Trước đó, từ năm 2019, vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam, còn giai đoạn 1 và 2 nghiên cứu tại Đài Loan từ năm 2010. Nếu được phê duyệt, đây là vaccine tay chân miệng đầu tiên tại Việt Nam. Bác sĩ Chính đánh giá triển khai vaccine phòng tay chân miệng sẽ hỗ trợ ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.

Trẻ em tiêm vaccine tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Tay chân miệng là bệnh có ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhiều hơn ở dưới 5 tuổi, tập trung ở dưới 3 tuổi, cao nhất là 1-2 tuổi. Bệnh gây tổn thương ở lòng bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, mông, bụng, lòng bàn chân, loét miệng.
Bệnh lây bằng đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng... Khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp, việc hắt hơi, ho, nói chuyện, virus có thể lây lan trực tiếp từ người sang người.
Có hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Bệnh xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm, cao điểm vào tháng 3-4 và từ tháng 9 đến cuối năm. Đợt bùng phát gần đây nhất của bệnh ghi nhận năm 2023, với hơn 180.000 ca nhiễm, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2022 và 31 ca tử vong. Năm 2024, toàn quốc ghi nhận hơn 76.000 ca nhiễm.
Hiện tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thuốc hỗ trợ để giúp trẻ em vượt qua giai đoạn nặng. Viện Pasteur TP HCM đánh giá tay chân miệng là thách thức lớn đối với y tế công cộng tại Việt Nam.
Có ba cấp độ bệnh tay chân miệng. Ở cấp độ 1, bệnh nhẹ, có thể điều trị tại nhà và tái khám gần nhà. Từ cấp độ 2-4, bệnh nhi cần điều trị tại bệnh viện, trong đó độ 2b, 3 và 4 có thể xuất hiện biến chứng, phải theo dõi sát để tránh nguy cơ tử vong.
Văn Hà