"Lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc tập trận ở khu vực Biển Đông đã được nêu trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 26/8", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 31/8 trả lời phóng viên trong và ngoài nước về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tập trận quân sự, bắn tên lửa tại Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông", người phát ngôn nói.
Hôm 23/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thông báo về đợt tập trận của quân đội nước này từ ngày 24/8 đến 29/8 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đông nam đảo Hải Nam. Theo đó, phạm vi cuộc tập trận trái phép là bên trong khu vực giới hạn bởi tọa độ 18°19.5N 111°13.5E, 19°02.0N 112°14.5E, 19°02.5N 112°57.0E, 18°17.0N 113°51.5E, 17°37.5N 113°52.0E, 16°38.0N 112°44.0E, 16°38.0N 112°20.0E.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép trong hai tháng qua ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị nước này dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng nước này đã bắn hai tên lửa đạn đạo diệt hạm, gồm DF-26B từ Thanh Hải và DF-21D từ Chiết Giang, ra Biển Đông sáng 26/8. Cả hai quả đạn đều rơi xuống khu vực giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 27/8 ra tuyên bố nói rằng Trung Quốc phóng thử 4 tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây ngờ vực cam kết của Bắc Kinh năm 2002 về tránh các hành động khiêu khích.
Hôm 26/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định "việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, gây phức tạp tình hình, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự", bà Hằng nói.
Phương Vũ