"Tôi xin nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật quốc tế", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo chiều nay.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng trên Twitter ngày 14/7 cho rằng "người Trung Quốc có các hoạt động ở Biển Đông từ hơn 2.000 năm trước" và "chủ quyền của Trung Quốc và các quyền và lợi ích liên quan ở Biển Đông có từ lâu trong lịch sử, trên cơ sở lịch sử và luật pháp vững chắc".
Ở Biển Đông, Trung Quốc tranh chấp với một số thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Từ đầu năm 2020, trong khi các nước ở khu vực tập trung nỗ lực chặn Covid-19, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động khiêu khích và phi pháp trên Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố lập cái gọi là các quận hành chính "quản lý" Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá; tuyên bố việc thu hoạch rau ở Hoàng Sa có thể giúp củng cố yêu sách trái luật quốc tế; gửi các công hàm đến Liên Hợp Quốc, đòi yêu sách Tứ Sa, có phạm vi rộng hơn "Đường lưỡi bò". Là nước có lợi ích ở Biển Đông, Việt Nam đều lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc.
"Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.