"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đưa khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trong quy tắc kiểm tra kỹ thuật tàu biển nội địa theo luật định 2020 đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trong họp báo thường kỳ chiều nay.
Theo South China Morning Post, trong văn bản mới này, Trung Quốc thành lập cái gọi là "Vùng hàng hải Hải Nam - Tây Sa". Tây Sa là tên gọi trái phép Trung Quốc dùng cho quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vùng hàng hải này được quy định là khu vực nằm giữa hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là "vùng ven biển", thay cho cụm từ "vùng biển ngoài khơi" trước đây. Trung Quốc tuyên bố bản quy tắc có hiệu lực từ ngày 1/8.
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động liên quan đến quần đảo Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị", bà Hằng nói.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành động trái phép này của Trung Quốc.