"Việc phát triển các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế, xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và quy định của Uỷ hội sông Mekong", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo trực tuyến chiều 14/5.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam khi Lào sắp xây thêm đập thuỷ điện thứ sáu trên dòng chính sông Mekong.
Uỷ hội sông Mekong (MRC) ngày 11/5 cho biết Lào chuẩn bị thực hiện quá trình tham vấn trước cho dự án thủy điện Sanakham có trị giá hơn 2 tỷ USD. Công trình dự kiến bắt đầu khởi công xây dựng trong năm 2020, hoàn thành và vận hành liên tục từ năm 2028 với công suất 684 MW. Điện sản xuất ra chủ yếu sẽ bán sang Thái Lan. Ngoài Sanakham, Lào có 5 dự án thủy điện gồm Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang trên dòng chính sông Mekong. Trong đó, Xayaburi và Don Sahong đã đi vào hoạt động lần lượt từ tháng 10/2019 và tháng 1/2020.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và luỹ tích của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong. Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước sông Mekong để phát triển, đồng thời cũng phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước này.
"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của các nước ven sông, vừa không gây tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực", bà Hằng nói.
Sông Mekong có tổng chiều dài hơn 4.800 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trên thượng nguồn, Trung Quốc đang vận hành 11 đập thuỷ điện. Các nước ở hạ nguồn cũng có nhiều công trình thuỷ điện.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng hệ thống đập thuỷ điện trên sông Mekong là một nguyên nhân chính khiến mực nước xuống thấp kỷ lục trong 2019, gây hạn hán nặng. Dòng sông cũng mất cân bằng sinh thái do thiếu phù sa và lượng cá tự nhiên. Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam không chỉ thiếu nước cho canh tác mà còn khiến hàng chục nghìn người thiếu nước sạch dùng cho sinh hoạt.