"Những gì sông Mekong cần ngay lúc này là lệnh cấm đối với các đập thủy điện quy mô lớn, chứ không phải xây dựng thêm những con đập hủy hoại chỉ mang lại lợi ích cho một số ít cộng đồng trong lưu vực sông", Paiyh Deetes thuộc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR), có trụ sợ tại Mỹ, cho biết.
Lào trước đó thông báo chuẩn bị tiến hành quá trình tham vấn trước của Ủy hội sông Mekong Quốc tế cho dự án thủy điện Sanakham có trị giá hơn 2 tỷ USD. Đây là dự án đề xuất thứ sáu trên dòng chính sông Mekong, dự kiến bắt đầu khởi công trong năm 2020, hoàn thành và vận hành liên tục từ năm 2028 với công suất 684 MW. Điện sản xuất ra chủ yếu sẽ bán sang Thái Lan.
Lào gần đây chuyển hướng sang các chương trình thủy điện trị giá hàng tỷ USD với hy vọng bán điện cho các nước láng giềng cũng như cung cấp điện năng cho dân cư ở xa.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng các đập đã được gấp rút xây dựng dù có bằng chứng về thiệt hại sinh thái đối với một trong những tuyến đường thủy đa dạng sinh học nhất thế giới.
Cư dân sinh sống dọc ven sông Mekong ở Lào và Thái Lan cho biết việc đánh bắt cá của họ đã giảm dần khi các đập được đưa vào hoạt động. Các nghiên cứu cũng cho thấy dòng chảy trầm tích đã ít đi, khiến dòng sông ngày càng thiếu màu mỡ khi chảy về phía đồng bằng Việt Nam.
Dự án thủy điện Sanakham nằm giữa tỉnh Xayaburi và tỉnh Vientianne của Lào, cách biên giới Thái Lan - Lào khoảng hai km về phía thượng lưu, cách biển khoảng 1.737 km. Nhà máy phát điện sẽ dài 350 m, cao 58 m, có 12 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 57 MW.
Lào đã nộp hồ sơ tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham từ ngày 9/9/2019, nhưng Ủy ban Liên hợp MRC hoãn quá trình cho đến khi hoàn thành tham vấn trước dự án thủy điện Luang Prabang. Ngoài Sanakham, có 5 dự án thủy điện gồm Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang được đề xuất trên dòng chính sông Mekong ở Lào và đã được trình để tiến hành tham vấn trước.
Ngọc Ánh (Theo AFP)