Quan điểm này được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tại diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam ngày 22/7. Theo ông Dũng, khi các nguồn điện than, khí ngày càng giảm nên Việt Nam phải nhập khẩu nhiều các nguồn năng lượng thứ cấp (như LNG...), làm giảm sự tự chủ về năng lượng.
Để phát triển năng lượng hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần lắp đặt thêm khoảng 5.000 MW công suất nguồn điện mới (gồm cả năng lượng tái tạo). Điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, mỗi năm Việt Nam sẽ cần 7-10 tỷ USD phát triển các nguồn năng lượng, chưa kể vốn cho phát triển hệ thống truyền tải điện. Con số này cao hơn mức 8 tỷ USD ở giai đoạn trước đây. "Chúng ta cần chính sách huy động mọi nguồn lực, trong ngoài nước và kể cả tư nhân cho phát triển năng lượng", Phó thủ tướng nói.
Tạo điều kiện cho tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong giai đoạn mới cũng được ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế trung ương nêu. Ông Bình cho rằng, cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện.
Độc quyền nhà nước trong phát triển điện còn cao, chính sách giá năng lượng thấp, chưa hoàn toàn theo cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội..., là những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng được Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu.
Ở góc độ cơ quan quản lý lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thấy nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước sẽ đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ tới đây sẽ sửa đổi một số luật (Luật Điện lực, Dầu khí...) cùng các văn bản dưới luật và xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo..., tạo cơ chế đặc thù trong phát triển đầu tư, huy động vốn cho phát triển nguồn điện, hệ thống điện truyền tải.
Ông nói thêm, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh xây dựng quy hoạch năng lượng quốc gia, trong đó xác định rõ quy mô nguồn điện từng giai đoạn và cơ cấu nguồn điện, đảm bảo khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp, tăng tính tự chủ năng lượng của Việt Nam. Theo đó, nguồn năng lượng tái tạo sẽ được tăng cường, đảm bảo an toàn ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống và bảo vệ môi trường.
"Đây là yêu cầu của cơ cấu nguồn điện, và giảm dần nguồn điện hoá thạch, thay thế bằng nguồn điện khí, phát triển hợp lý năng lượng tái tạo để hướng tới nền kinh tế các bon thấp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận xét, "chiếc áo dành cho năng lượng Việt Nam đã chật, không còn phù hợp và cần cơ chế mới để may chiếc áo phù hợp hơn với nhu cầu phát triển thực tiễn lĩnh vực này". Theo ông, những điểm mới trong Nghị quyết 55 như xoá bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng ở Việt Nam sẽ là tiền đề, mở ra cánh cửa mới trong định hướng phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vì thế, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích và làm rõ một số quy định tại một số Luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân tham gia đầu tư mạnh mẽ hơn vào những lĩnh vực khác nhau của hệ thống năng lượng quốc gia, nhất là đầu tư vào phát triển hệ thống điện. Luật Điện lực cũng đang được cơ quan này nghiên cứu, sửa đổi để có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực năng lượng.
Anh Minh