Ngoại giao vaccine là một trong những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 31 hôm nay.
"Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19", Thủ tướng nói. "Thông qua đường ngoại giao, Việt Nam từ một nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm trở thành một nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nỗ lực ngoại giao vaccine đã góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới ngày 14/12, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 cho 77,7% dân số, trong đó gần 61% dân số tiêm đủ liều. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi của Anh, Đức, Mỹ, những nước triển khai tiêm vaccine sớm, lần lượt là hơn 75%, hơn 72% và gần 72%, theo dữ liệu từ trang Our World in Data.
Ngoài ngoại giao vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn khẳng định ngành ngoại giao đã nắm chắc tình hình hình để tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại.
Các hoạt động ngoại giao cũng góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Việt Nam đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.
Nỗ lực ngoại giao thời gian qua cũng khiến bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng, giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp, từ đó triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.
Thủ tướng cũng đề cập một số vấn đề ngành ngoại giao cần chú ý trong thời gian tới như thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững từ chiều rộng sang chiều sâu, phát huy hợp tác kinh tế tiềm năng ở những địa bàn chiến lược.
Lãnh đạo chính phủ lưu ý xu hướng cạnh tranh chiến lược và các thách thức toàn cầu như Covid-19, biến đổi khí hậu, già hóa dân số trong thời gian tới đòi hỏi ngành ngoại giao có cách tiếp cận toàn cầu và đoàn kết quốc tế.
"Là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần phải có sự chia sẻ, hợp tác với quốc tế, góp phần bảo vệ sự bình yên của thế giới, an toàn của mọi công dân", ông nói.
Theo ông, trong trụ cột ngoại giao chính trị, Việt Nam cần kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước và là thành viên có trách nhiệm, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Về ngoại giao kinh tế, Thủ tướng đề xuất chú trọng phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, thúc đẩy hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp. Việt Nam cũng cần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy liên kết xuất nhập khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng cần đầu tư về nguồn lực tài chính lẫn con người cho ngoại giao văn hóa, đặt ngoại giao văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế. "Phải hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, nhân ái, thủy chung và linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng quật cường và kiên quyết khi cần thiết", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Ngọc Ánh