Loạt ảnh được in trong sách "Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ" (tên tiếng Pháp là "Indo-chine Pittoresque & Monumentale", bản tiếng Việt là ấn phẩm thứ hai trong Tủ sách Đông Dương của Đông A Books). Thời đó, một số người Pháp - trong đó có Pierre Dieulefils - nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Những bức ảnh của Pierre được chụp từ năm 1885, ghi lại đời sống, sinh hoạt người Việt, trở thành nguồn tư liệu quý giá. Lưu Đình Tuân dịch và chú giải từ nguyên tác tiếng Pháp, tham khảo thêm phần chú chữ Hán - Nôm của ông Claude Maitre, từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội và nhiều nguồn tài liệu. Dịch giả Ngụy Hữu Tâm hiệu đính phần chú thích tiếng Đức. Sách có 261 bức ảnh, được chụp ở Bắc, Trung, Nam, chú thích bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Đức. Mặc áo dài, đội nón quai thao (trái) là phong cách thời trang phổ biến của phụ nữ miền Bắc cuối thế kỷ 19. Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, ở thế kỷ 19, phụ nữ nhà giàu thường mặc áo dài năm thân. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Bốn vị quan của triều đình ở Huế. Áo dài vương triều nhà Nguyễn ở thế kỷ 19 có hoa văn, kiểu dáng được quy định chặt chẽ theo quản lý của Bộ Lễ. Áo được thêu, dệt hình chim phượng, con dơi, mặt trời, trái bầu, bát bửu, màu ngũ sắc... bên trong có lớp lụa lót. Các thái giám triều Nguyễn. Qua vòng tuyển chọn, những thái giám nhí được đưa vào cung để một thái giám có thâm niên dạy các nghi thức khắt khe của cung đình, từ việc đi đứng cho đến cách ăn mặc, bẩm, thưa... Nhiều đứa trẻ mới lên bảy đã được đưa vào cung học phép tắc thái giám, sống trong cung cấm đến già. Đội thị vệ trong cung với lọng, quạt... Các diễn viên của gánh hát tại Sài Gòn. Đặc trưng các tuồng thời kỳ này là hát nửa bội, nửa kịch, lưu diễn từ Sài Gòn đến lục tỉnh miền Tây. Nhóm chiến binh người Thượng - chỉ những người dân tộc thiểu số ở miền Trung và Nam lúc bấy giờ. Cổng Văn Miếu ở Hà Nội toát lên nét cổ kính vào cuối thế kỷ 19. Một góc hồ Gươm yên bình với mái đò dọc ngang. Nghi môn bằng đồng trước điện Thái Hòa, kinh thành Huế xưa. Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội, nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong chế độ phong kiến, cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Một góc Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xưa. Khi khánh thành năm 1880, nhà thờ chưa có hai ngọn tháp. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông với sáu chuông đồng lớn, trên đỉnh tháp có đính cây thánh giá.. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,5 m. Pierre Dieulefils (1862 - 1937) sinh tại làng Malestroit ở vùng Bretagne, Pháp. Ông gia nhập quân đội năm 1883, được phân vào trung đoàn pháo binh và sang Đông Dương lần đầu năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại miền Bắc Việt Nam, rẽ sang làm nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhà xuất bản bưu ảnh chuyên nghiệp. Năm 1905, ông đến Sài Gòn rồi du hành sang Phnom Penh và Angkor. Năm 1909, ông tập hợp bộ ảnh về Đông Dương và xuất bản tập sách ảnh mang nhan đề "Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin" (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ). Tác phẩm đem lại cho ông huy chương vàng tại Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910. Sau đó, ông tiếp tục ra mắt cuốn "Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận" (Cochinchine - Saïgon et ses environs). Đông A gộp hai cuốn sách trên của Dieulefils vào một ấn bản lấy tên chung là "Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ". Năm 1913, ông về Pháp, dành phần lớn thời gian sáng tác thơ ca. Ông qua đời tại quê nhà Malestroit. Mai Nhật (ảnh: Pierre Dieulefils)Hà Nội, Huế hơn 100 năm trước qua sách Cuộc sống miền Bắc hơn 100 năm trước qua trang sách