Thứ tư, 18/12/2024
Thứ hai, 29/6/2020, 09:12 (GMT+7)

Áo dài qua hơn 100 năm

Từ thế kỷ 19, áo dài biến hóa với các kiểu áo vương triều, cổ lọ, hippy hay áo vẽ tay...

Triển lãm hơn một thế kỷ áo dài diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) từ ngày 27/6 - 2/7, nhân 44 năm Sài Gòn - Gia Định đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện trưng bày hàng chục kiểu áo dài tiêu biểu qua các thời kỳ, do Bảo tàng Áo dài sưu tập.

Trước khi áo dài ra đời vào thế kỷ 19, phụ nữ Việt Nam mặc áo tứ thân từ thế kỷ 11. Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, thời này, do khổ vải dệt chỉ 35-40 cm, thân áo trước là hai tà tách riêng, hai thân sau được khâu ghép thành một đường dài, gọi là áo tứ thân. Áo thường may bằng vải nâu, không khuy cài, thả dài hay được cột gọn lúc buôn bán, làm việc đồng áng. Nữ giới lúc đó thường mặc bên trong yếm màu đậm (với người lớn tuổi) hoặc màu đỏ hoa đào (với người trẻ).

Sang thế kỷ 19, mẫu áo dài năm thân được ưa chuộng. Trang phục gồm hai khổ vải được may nối nhau thành thân trước theo phong cách kín đáo. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu: cha mẹ mình và cha mẹ người thương, thân áo thứ năm đại diện cho người mặc. Áo luôn có năm cúc, thể hiện đạo lý làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ở miền Bắc, đầu thế kỷ 20, phụ nữ thích may kiểu cài khuy cổ lệch để khoe chuỗi trang sức quấn nhiều vòng.

Áo dài vương triều nhà Nguyễn ở thế kỷ 19 có hoa văn, kiểu dáng được quy định chặt chẽ theo quản lý của Bộ Lễ. Áo được thêu, dệt hình chim phượng, con dơi, mặt trời, trái bầu, bát bửu, màu ngũ sắc... bên trong có lớp lụa lót. Vào mùa thu và đông, áo mang chất liệu gấm, mùa xuân và hạ dùng vải sa, vân. Vì màu nhuộm dễ phai, người ta không giặt áo mà chỉ phơi nắng một năm vài lần rồi ướp thơm bằng trầm, đặt trong tráp gỗ. Bên trong, người mặc phối cùng áo dài lót bằng vải trắng để dễ giặt.

Áo dài tân thời ra đời từ năm 1934, do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946) khởi xướng. Áo mang phong cách hiện đại với các kiểu: có cổ hoặc không cổ, tay ngắn, vai bồng, cổ tay xòe hoặc không xòe, vạt áo dài hoặc ngắn (mini)... Trang phục được may theo từng hoàn cảnh: trong phòng ngủ, đi dạ hội, trên bãi biển...

Từ phải qua: áo dài cao cổ, tay raglan và áo dài midi. Thập niên 1950-1960, áo nịt ngực ngày càng phổ biến nên áo dài được may dạng chít eo, ôm sát người, cổ rất cao để tôn hình thể người mặc. Gấu áo dài đến gần mắt cá chân, được cắt ngang.

Từ năm 1958, áo cổ thuyền do đạo diễn Thái Thúc Nha sáng tạo, gây sốt trong làng thời trang vì tôn được phần cổ, bờ vai của người mặc, phù hợp thời tiết nhiệt đới của miền Nam. Cũng trong năm này, áo dài tay raglan (ráp thân áo và ống tay bằng việc nối một đường chéo từ cổ áo xuống nách) được ra đời, đến nay vẫn phổ biến. Áo midi gồm ba mảnh - một thân sau và hai thân trước, có sự cách tân nhưng vẫn giữ nét cổ điển.

Từ phải qua: áo dài hippy, vẽ tay và áo thổ cẩm. Cuối thập niên 1950, giới trẻ Sài Gòn chịu ảnh hưởng trào lưu hippy du nhập từ Mỹ với châm ngôn "Live fast, die young" (Sống hết mình). Áo dài hippy gây sốt vì tính thời thượng do chất liệu nhẹ, màu sắc rực rỡ, họa tiết hình hoa cỏ hoặc kỷ hà.

Từ năm 1989, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đưa hội họa vào áo dài truyền thống, mở màn cho trào lưu vẽ bằng tay với hình hoa lá, lập thể, hoa văn cổ, phong cảnh... Từ năm 1990, nhà thiết kế Minh Hạnh sử dụng chất liệu thổ cẩm - loại vải dệt thủ công với hoa văn nổi của các dân tộc thiểu số.

Triển lãm còn trưng bày trang phục cưới của một số dân tộc. Ở giữa khu vực, một sàn catwalk được dựng lên, phục vụ cho các tiết mục trình diễn áo dài mỗi đêm.

Tối 27/6, đêm thời trang áo dài của nhà thiết kế Thuận Việt được tổ chức ở khu triển lãm, quy tụ hàng chục người mẫu trình diễn các bộ áo dài từ truyền thống đến cách tân.

Hàng nghìn khán giả đến dự sự kiện và thưởng thức triển lãm tại phố đi bộ. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao do UBND TP HCM và Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP HCM tổ chức.

Mai Nhật (ảnh: Quỳnh Trần)