Nhiều người trẻ Việt đang ngồi bắn PUG, chơi Liên Minh. Hoặc họ nốc một loại thức uống thời trang kiểu nửa rượu nửa beer nặng 4,5 độ, trong những cửa hàng tiện lợi. Hay là họ gật gù ở các quán bar hay cà phê có mức giá bằng 2-3 suất cơm bình dân.
Trong khi đó, trên thế giới có một tỷ người không may mắn như chúng ta vì không có Facebook, Google, YouTube. Liệu chúng ta sẽ tận dụng những nền tảng này như những nhịp cầu ra thế giới, những kho tàng tri thức hay sẽ bị những làn sóng, những trào lưu mạng xã hội dìm chết? Bạn sẽ nói thứ ngôn ngữ toàn cầu, đi lại tự do khám phá thế giới, làm việc với đồng nghiệp ở Mỹ và khách hàng ở Châu Âu. Hay bạn chỉ có thể rung đùi uống cà phê, bình luận bóng giải ngoại hạng Anh và đóng góp cho mấy hãng sản xuất điện thoại trên toàn thế giới.
Bạn sẽ chọn xem các bài nói chuyện đầy cảm hứng từ TedTalk bằng tiếng Anh, hay chỉ cười sảng khoái với các đoạn clip hài mà diễn viên nhái giọng Quảng Nam hoặc Hoa kiều Chợ Lớn?
Rất nhiều người say sưa tẩy chay một tổ chức cảnh báo mối nguy hiểm với sức khoẻ của họ, và vui vẻ click nút "subscribe" (theo dõi) đễ giúp các idol trên YouTube của họ kiếm tỷ đồng mỗi tháng. Nhưng khi nói Việt Nam có GDP thấp, mọi người sẽ đổ lỗi cho chính sách, năng lực quản lý. Nhưng khi nói năng suất lao động của người Việt xếp áp chót ở Đông Nam Á, họ lại cảm thấy bị tổn thương.
Một cô thợ may Thái Lan có thể làm ra hai chiếc áo trong khi người VN chỉ làm ra một, nhưng khó mà tin được cô gái người Malaysia có thể làm ra 10 chiếc hoặc nếu một cô gái Singapore đi xuất khẩu lao động tới VN sẽ làm ra tới 16 chiếc trong cùng khoảng thời gian. Không có ai lóc xương cá basa hay phết keo dán đế giày Nike ở Singapore để xuất khẩu. Bản chất đúng đắn hơn của từ "năng suất" này chính là hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm và dịch vụ mà một quốc gia tạo ra.
Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội. Việt Nam đang là một trong các điểm đến làm việc và sinh sống hấp dẫn nhất thế giới cho người nước ngoài. 10 năm tiếp theo, bạn nghĩ Việt Nam sẽ như thế nào?
30 năm trước, muốn đi học nước ngoài chỉ có một cách, tìm học bổng của nhà nước. Đếm trên đầu ngón tay gia đình nào có tiền trang trải học phí ở Mỹ cho con. Nhưng ngày nay, người Việt Nam tự mình vươn ra thế giới để khẳng định bản thân.Tay vợt cầu lông Tiến Minh là một ví dụ điển hình của đam mê khi anh lọt vào top 10 thế giới và từng xếp hạng 4 toàn thế giới theo công bố của liên đoàn cầu lông BWF, phần nhiều các chuyến thi đấu của mình anh đều tự trang trải. Chúng ta cũng có vận động viên được mời chạy các cuộc siêu marathon, chuyên gia game mobile Hà Đông, tạo ra Flappy Bird có hàng triệu download được thế giới ghi nhận như một hiện tượng.
Xem nhiều trong ngày:
> Mã Pì Lèng 'đừng đi theo vết xe đổ Đà Lạt'
> Cưới lúc thất nghiệp, giờ thu nhập 300 triệu đồng
> Tôi mất hết tài sản sau khi trúng số 250 triệu đồng
> 4 phương án dùng Công Phượng đánh bại Malaysia
Tôi cũng biết một cô giáo dạy piano còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20. Bên cạnh tài năng và niềm đam mê piano, cô thành công trong kinh doanh các khoá học của mình dựa trên nền tảng Internet, từ mobile app tới website, youtube channel. Và bạn chắc chắn không thể đếm hết số lao động làm việc cho công ty nước ngoài ở Hà Nội và TP HCM. Giờ đây, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng tham gia vào danh sách.
5,8% GDP của Việt Nam dành cho đầu tư cho giáo dục, đó là con số năm 2017. Ngạc nhiên là các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia cũng có tỉ lệ phần trăm GDP cho giáo dục tương tự. Malaysia chi 5% cho giáo dục, quốc gia này có dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam và GDP cao gấp rưỡi.
Nhưng không chỉ có đầu tư công, Hà Nội hay TP HCM từ lâu đã có nhiều trường quốc tế. Vài năm trước, tôi đã vô cùng bất ngờ khi tham quan một trường quốc tế chỉ xếp nhóm ba (chi phí khoảng 100 triệu/năm so với nhóm một chi phí tới hơn nửa tỷ/năm) và gặp các bạn học sinh cỡ lớp 7-8 nói tiếng Anh rất lưu loát và tự nhiên. Các em cũng rất lễ phép chào hỏi người lớn bên cạnh việc thể hiện một sự tự tin đáng kể trong giao tiếp.
10 năm nữa, ít nhất ở hai thành phố lớn, Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ mới được đào tạo chất lượng cao theo chương trình quốc tế, toàn diện cả khoa học kỹ thuật cho tới nhạc, hoạ, thể thao, robotic, computer và đặc biệt là quen thuộc với văn hoá và ngôn ngữ quốc tế. Đương nhiên con số đó vẫn là số ít trong hàng triệu học sinh của 2 thành phố khoảng 15 triệu dân, nhưng nó cũng đủ để nói rằng những người Việt Nam có điều kiện và hiểu biết đang nỗ lực không ngừng, đầu tư cho chính mình và con em mình để là những công dân toàn cầu.
Việt Nam cũng có những chuyên gia, kỹ sư trong nước, những chuyên gia du học từ nước ngoài hay những Việt kiều hồi hương đang tạo ra ngày một nhiều các công ty triệu đô. Tiếc rằng những công dân toàn cầu của Việt Nam vẫn còn quá ít trong hơn 90 triệu người.
Việt Nam vẫn chỉ ở mức quốc gia đang phát triển nhưng cánh cửa ra thế giới đã mở toang cho tất cả mọi người. Công dân toàn cầu? Câu trả lời do chính mỗi chúng ta quyết định.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hưng Nguyễn