Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, cho biết như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của VnExpress nhân dịp Quốc hội vừa thông qua nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
- Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Quốc hội về nội dung này, vậy ý nghĩa của nghị quyết là gì, thưa ông?
- Chúng tôi rất vui vì nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu có mặt tán thành. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ trưởng Quốc phòng ban hành thông tư về lĩnh vực này, nhưng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết là khẳng định cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế về việc cử các lực lượng đi tham gia gìn giữ hòa bình ở các phái bộ, tham gia làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, có những đóng góp thiết thực, lâu dài bằng con người, với những hoạt động, lĩnh vực cụ thể. Từ đó, chúng ta có tiếng nói tích cực hơn ở cơ chế đa phương và tổ chức lớn nhất hành tinh.
Quá trình chúng ta chuẩn bị thông qua nghị quyết, chúng tôi đã nhận được sự chào mừng của rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và đại diện của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Các tổ chức này đánh giá rất cao khi Việt Nam đưa hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trở thành một văn bản pháp lý mà cả xã hội sẽ phải tuân thủ và đồng hành triển khai.
- Đâu là những điểm mới đáng chú ý nhất trong nghị quyết này?
- Nghị quyết khẳng định Việt Nam sẽ cử lực lượng vũ trang đi tham gia gìn giữ hòa bình ở các lĩnh vực khác nhau, từ hình thức cá nhân đến đơn vị; ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tham gia cấp độ đơn vị là Quân y, cá nhân thì có sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần, quan sát viên quân sự, sĩ quan tình báo... Lực lượng công binh đã huấn luyện xong và sẵn sàng tham gia.
Nhờ nghị quyết này, ta sẽ mở rộng lĩnh vực tham gia như bộ binh, kiểm soát quân sự, giám sát bầu cử, cảnh sát, quân cảnh... tại các phái bộ. Nghị quyết cũng tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ sở pháp lý để nghiên cứu thêm các lĩnh vực tham gia, tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương, Hội đồng Quốc phòng an ninh quyết định.
Ví dụ như mở rộng hình thức đơn vị, không chỉ riêng bộ binh, công binh, mà thậm chí cả các lực lượng như trực thăng vận tải. Tất nhiên, mở rộng lĩnh vực nào cũng sẽ được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với năng lực của lực lượng vũ trang của Việt Nam và khẳng định được chúng ta sẽ thành công ở lĩnh vực đó.
Trong tương lai, nghị quyết tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình hiện nay thành trung tâm huấn luyện điển hình của khu vực và quốc tế. Chúng ta cũng có thể mở rộng việc giao lưu quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại quốc phòng để tăng cường hợp tác đa phương ở các phái bộ, đồng thời thông qua gìn giữ hòa bình, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
Bên cạnh đó, với nghị quyết này, quy trình cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc sẽ được rút ngắn. Thay vì phải thực hiện rất nhiều bước như hiện nay, thời gian tới, việc cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam sẽ do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.
- Nghị quyết còn giúp giải quyết những vướng mắc gì của thực tiễn, thưa ông?
- Nghị quyết tạo cơ sở để cán bộ chiến sĩ, những người trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình yên tâm hơn. Họ sẽ được quan tâm hơn về chế độ, chính sách.
Sáu năm qua, chế độ chính sách này đang thực hiện theo nghị định 162 của Thủ tướng, quá trình thực hiện đã xuất hiện một số bất cập. Và khi có Nghị quyết, Thủ tướng sẽ ban hành nghị định mới, điều chỉnh những bất cập đó.
Chúng ta sẽ đảm bảo chế độ chính sách tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia ở các phái bộ trên cương vị cá nhân, đơn vị. Sĩ quan nữ cũng sẽ có điều kiện hưởng chế độ đặc thù hơn, phù hợp với sự cống hiến của nữ giới ở các phái bộ. Hậu phương gia đình của họ cũng sẽ có chế độ, tiêu chuẩn.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá đây là lực lượng quan trọng, tinh hoa, được đào tạo bài bản và được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt nên phải được trọng dụng sau khi họ trở về. Điều này cũng đã được nêu trong nghị quyết. Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cá nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Bên cạnh lực lượng trực tiếp, nghị quyết lần này cũng tạo cơ sở, hành lang pháp lý để nghị định Chính phủ sắp tới có chế độ, tiêu chuẩn tốt hơn cho các lực lượng gián tiếp thực hiện nhiệm vụ như giáo viên huấn luyện sĩ quan đi làm nhiệm vụ, đội ngũ tiền trạm, khảo sát địa bàn... Những năm qua, đội ngũ này dù có vai trò rất lớn nhưng chưa có chế độ, tiêu chuẩn đãi ngộ.
- Ông nói việc Việt Nam có cơ sở pháp lý về hoạt động gìn giữ hòa bình sẽ tăng cường đối ngoại quốc phòng, vậy nghị quyết tác động đến lĩnh vực này như thế nào?
- 125 quốc gia thành viên hiện nay đang cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đều được Liên Hợp Quốc động viên nên có những cam kết lâu dài và tốt nhất là bằng luật pháp, bằng những văn bản pháp lý. Nhưng không phải nước nào cũng thực hiện.
Vì vậy, việc Việt Nam có nghị quyết, có hành lang pháp lý sẽ được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Họ sẽ thấy một Việt Nam nghiêm túc với một lộ trình căn bản, lĩnh vực rất rộng khi tham gia gìn giữ hoa bình Liên Hợp Quốc.
6 năm qua, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hoà bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc. 46 lượt cán bộ theo hình thức cá nhân; 126 lượt cán bộ, nhân viên theo hình thức đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2).
Trong đó, 29 lượt cá nhân được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 31%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%). Liên Hợp Quốc cũng đã hai lần gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là lực lượng của các nước thành viên được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới. Lực lượng được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam chính thức tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực chuẩn bị lực lượng để thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo.