VnExpress phỏng vấn Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) về vấn đề nêu trên.
- Thưa ông, vì sao Việt Nam đề xuất thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á Thái Bình Dương?
- Việt Nam đưa ra đề xuất này từ gợi ý của Liên Hợp Quốc. Chúng ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình muộn so với nhiều nước, nhưng được các quốc gia liên quan và Liên Hợp Quốc đánh giá là đạt kết quả xuất sắc.
Sáu năm qua, Việt Nam đã cử hàng trăm sĩ quan đi làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình Liên Hợp Quốc (các Phái bộ ở châu Phi). Trong 30 sĩ quan đã hoàn thành nhiệm vụ trở về thì 10 người khi kết thúc nhiệm kỳ được đánh giá 11/11 tiêu chí xuất sắc (chiếm 33%). Tỷ lệ này thường là 1-2% ở các quốc gia khác.
Các sĩ quan nữ đang tham gia gìn giữ hòa bình trong đội hình bệnh viện dã chiến là 10/63 (15,8%), nữ sĩ quan hoạt động cá nhân là 2/10 (20%). Trong khi đó tỷ lệ bình thường các nước đạt 5-10% đã được Liên Hợp Quốc đánh giá cao.
Có thể nói, kết quả xuất sắc của các sĩ quan Việt Nam làm nhiệm vụ tại Phái bộ đã chứng minh năng lực huấn luyện, chuẩn bị lực lượng của chúng ta và gây ấn tượng rất tốt với các bên liên quan.
Tại cuộc hội đàm trực tuyến với Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Atul Khare hồi tháng 7, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã chia sẻ mong muốn Liên Hợp Quốc cùng Việt Nam xây dựng Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực với hình thức phù hợp.
Nếu được thành lập, Trung tâm đặt tại Việt Nam sẽ là nơi huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực của các lực lượng như công binh, quân y, ngoại ngữ, pháp luật, phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc... Bước đầu một số quốc gia đối tác rất hào hứng với sáng kiến này của Việt Nam. Họ chờ đợi Liên Hợp Quốc và Việt Nam xác định mô hình phù hợp và sẽ sẵn sàng tham gia.
Hiện nay, Cục Gìn giữ Hoà bình Việt Nam có một Trung tâm huấn luyện đào tạo lực lượng trong nước đi làm nhiệm vụ "mũ nồi xanh". Quy mô huấn luyện sẽ lớn hơn nếu Trung tâm được mở rộng ra cấp khu vực và được sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên.
- Liên Hợp Quốc đã cử đoàn đến Việt Nam để khảo sát, họ đánh giá ra sao?
- Tháng 4/2018, đoàn kiểm tra của Liên Hợp Quốc đến khảo sát Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam, tìm hiểu lịch trình, giáo án, chương trình huấn luyện, và bày tỏ rằng rất tâm đắc. Họ nói Việt Nam đào tạo lực lượng phù hợp tiêu chí của Liên Hợp Quốc, nâng cao năng lực, kỹ năng mềm để bộ đội xử lý công việc ở từng vị trí như sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo, quan sát viên quân sự...
Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam cũng có những biện pháp đáp ứng hậu cần tại chỗ, khả năng khắc phục khó khăn, thích ứng địa bàn, có những kế hoạch tác chiến để đảm bảo an ninh an toàn khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, sĩ quan Việt Nam còn có phẩm chất chính trị, kỷ luật rất tốt. Lúc đó, Liên Hợp Quốc đã chọn Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam là một trong bốn trung tâm của ASEAN đạt chuẩn quốc tế cho chương trình hợp tác 3 bên giữa Liên Hợp Quốc - Nhật Bản - Việt Nam.
- Các khoá huấn luyện quốc tế về gìn giữ hòa bình ở Việt Nam thu được kết quả như thế nào?
- Sau chuyến khảo sát nói trên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã triển khai ba khóa huấn luyện ba bên. Khóa gần đây nhất là tháng 3/2020 khi bắt đầu có đại dịch Covid-19. Nhật Bản là nước tài trợ chương trình đã đánh giá rất cao Việt Nam. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đề nghị tham dự hội nghị khai mạc khóa huấn luyện 1,5 tháng này cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng tại Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ba khóa huấn luyện ba bên của Việt Nam rất thành công trong huấn luyện công binh hạng nặng với 29 giảng viên Nhật Bản sang tham dự và triển khai. Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Atul Khare đã gửi thư khen kết quả của lớp đào tạo hợp tác ba bên này.
Chúng tôi cũng đào tạo được khóa 25 học viên của 5 quốc gia tại Việt Nam. Đó là những thành công lớn mà các quốc gia trong ASEAN nói riêng và trong lĩnh vực gìn giữ hoà bình nói chung rất ngưỡng mộ. Họ muốn Việt Nam trở thành một trong những trung tâm quốc tế và khu vực về huấn luyện gìn giữ hoà bình.
Để đáp lại nguyện vọng của các quốc gia và cũng phản ánh được thực tế Việt Nam, dù tham gia gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc muộn nhưng đạt kết quả xuất sắc, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ phải xây dựng Cục gìn giữ hoà bình Việt Nam trở thành trung tâm nâng cao năng lực gìn giữ hoà bình tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trả lời VnExpress, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói qua quá trình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam, Liên Hợp Quốc "thấy chúng ta dù đất nước còn nghèo, trang bị còn khó khăn nhưng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ nhờ năng lực cá nhân của các sĩ quan".
Vì vậy "họ muốn Việt Nam là một tấm gương, hỗ trợ các nước khác huấn luyện sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc".
Bên cạnh gợi ý thành lập Trung tâm nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình khu vực, Liên Hợp Quốc còn đồng ý cùng Việt Nam dự kiến tổ chức hội nghị vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hoà bình. Đây là hội nghị của lãnh đạo quân đội hơn 100 nước tham gia gìn giữ hoà bình, dự kiến tổ chức năm nay.
Việt Nam chính thức tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2014. Đến nay, 50 lượt sĩ quan được cử đi thực hiện nhiệm vụ theo cương vị cá nhân tại các Phái bộ ở Trung Phi (MINUSCA), Nam Sudan (UNMISS) và hai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan với 126 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ.