Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, Việt Nam đã chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm 2014 nhưng đến nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ.
Trong khi đó, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này. Vì vậy, dự thảo nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động theo đúng quy định.
Mặt khác, hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc luôn ở trong môi trường, điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Liên Hợp Quốc.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương) đánh giá, từ năm 2014 đến nay, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cụm từ "theo quy định của pháp luật" trong chi trả chế độ, chính sách cho sĩ quan đi làm nhiệm vụ còn rộng. Ông đề nghị bỏ cụm từ này và giao cho Chính phủ quy định bằng một nghị định, để khi áp dụng sẽ thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an khi có lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đồng thời tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành có liên quan.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết, trước đây, Ủy ban Đối ngoại được giao thẩm tra các hoạt động gìn giữ hòa bình của Quân đội. Kết quả cho thấy, Bộ Quốc phòng đã triển khai rất tốt, cử nhiều cán bộ, bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia phái bộ Liên Hợp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
"Bộ đội đi làm việc ở những địa bàn rất khó khăn, có nơi còn xảy ra nội chiến, nguy hiểm đến cả tính mạng. Vì vậy, tôi đề nghị tăng cường chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động này", ông Cương nói và gợi ý, ngoài những chế độ, chính sách mà bộ đội được Liên Hợp Quốc chi trả, Việt Nam cần có thêm chính sách riêng "để động viên anh em".
Đề xuất của ông Cương cũng là ý kiến của hàng chục vị đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là những sĩ quan đã được tuyển chọn, đào tạo bài bản và kỹ lưỡng cả về kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, họ còn trải qua thực tiễn từ các hoạt động tại phái bộ Liên Hợp Quốc.
"Đây là nguồn nhân lực rất quý nhưng phần chế độ, chính sách trong dự thảo nghị định còn rất chung chung. Tôi đề xuất, đối với lực lượng này cần bổ sung các chính sách về sử dụng, trọng dụng sau khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về", nữ đại biểu nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến (phó đoàn Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị quy định về khen thưởng lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc có thành tích xuất sắc.
Dẫn khoản 2 điều 14 có ghi "trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn và hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét giải quyết chế độ, chính sách bệnh binh, thương binh, liệt sĩ theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc", Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, quy định như vậy là chưa đầy đủ và chặt chẽ.
"Chưa đầy đủ nghĩa là không phải chỉ có chế độ thương binh, liệt sĩ mà còn các chế độ khác như bảo hiểm, thi đua, khen thưởng...", ông nói và phân tích, tinh thần của khoản 2 là những người tham gia lực lượng này mà bị thương, bị bệnh, bị tai nạn, hy sinh, từ trần... thì được hưởng hai chế độ, một của Nhà nước Việt Nam và một của Liên Hợp Quốc.
Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo sửa lại khoản 2 là "trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên Hợp Quốc", như vậy sẽ rộng và đầy đủ hơn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng để Quốc hội ban hành Nghị quyết, thể hiện sự hội nhập quốc tế cũng như sự tích cực tham gia các hoạt động chung của Việt Nam, không chỉ với tư cách một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc mà còn là thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Lần này chúng ta ban hành nghị quyết, nhưng để tăng hiệu lực quy định của pháp luật thì có lẽ ngay từ bây giờ cũng nên có sự tính toán, xem xét để có thể ban hành luật về vấn đề này thì tốt hơn", ông Cương nói.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua.
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ được Quốc hội thông qua ngày 13/11.