Tại cuộc họp sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các địa phương đã thống nhất nội dung trên, nhằm vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng nhắc lại các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới, gồm: Y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; đảm bảo an sinh, ổn định chính trị xã hội là trọng yếu, thường xuyên; ý thức người dân, vaccine, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; coi việc thích ứng với Covid-19 là động lực để thúc đẩy một số việc lâu nay gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cơ sở...
Các đại biểu tham gia cuộc họp thống nhất đánh giá, nhìn chung trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, nhất là địa bàn tăng cường giãn cách. Số liệu về ca mắc mới, ca điều trị khỏi khẳng định kết quả này; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần. Vừa qua có xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng được kiểm soát ngay.
Một trong những bài học kinh nghiệm được Thủ tướng nêu ra là các địa phương không chủ quan khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được, "hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan". Địa bàn có nguy cơ cao phải xét nghiệm tầm soát. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ca nhiễm nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất, tới từng hộ gia đình, thôn, ấp, khu dân cư.
Thủ tướng giao Bộ Y tế lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, ban hành hướng dẫn tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Sau đó, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi, bổ sung, vì việc chống dịch chưa có tiền lệ. Căn cứ hướng dẫn này, các địa phương tùy tình hình cụ thể quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách. Nơi an toàn vừa kiểm soát dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tất cả địa phương lập Tổ công tác phục hồi sản xuất cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phụ trách. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tự xét nghiệm; huy động y tế tư nhân tham gia chống dịch. Tiểu ban An ninh - Trật tự sớm ban hành quy định mới về xuất nhập cảnh; nghiên cứu công nhận hộ chiếu vaccine có tính chất đối đẳng. Các địa phương không ban hành "giấy phép con", cản trở lưu thông hàng hóa.
"Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào mà người dân không có ý thức thì có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, để người dân hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh, nhưng phòng dịch hơn chống dịch và tránh được lây nhiễm. Nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì vẫn tránh và giảm được tử vong", Thủ tướng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương căn cứ thực tế, nơi nào an toàn thì cho học sinh đi học. Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng chống dịch, để thuận tiện nhất cho người dân; có giải pháp cho những người không dùng điện thoại thông minh.
Về xét nghiệm, lãnh đạo Chính phủ nói: "Tất cả giác quan của chúng ta, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe, tay sờ đều không phát hiện được virus, khám lâm sàng cũng không phát hiện được sớm. Vậy cách duy nhất để tìm ra là xét nghiệm, nhưng sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả". Xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là đại trà, toàn bộ người dân.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết sau khi Thủ tướng phê bình, trong 12 ngày qua, tỉnh đã khắc phục các hạn chế, xét nghiệm sàng lọc diện rộng, tập trung ở các xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, 5 ngày với 3 đợt. Dựa trên kết quả xét nghiệm tầm soát, tỉnh đã đánh giá mức độ nguy cơ và chuyển trạng thái chống dịch theo từng vùng. Biểu đồ dịch của tỉnh nửa tháng qua đi xuống dần, nhất là ca nhiễm cộng đồng giảm mạnh.
Với Phú Quốc, ngay sau khi phát hiện ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại phường An Thới (ngày 20/9), tỉnh đã tập trung truy vết, khoanh vùng và tầm soát, phát hiện 109 ca dương tính. "Ngay sáng nay, Phú Quốc đang dốc toàn lực lượng tầm soát cho tất cả hộ dân trên toàn đảo (hơn 27.000 hộ), quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30/9", ông Bình cho biết. Kiên Giang đặt mục tiêu trở lại "bình thường mới" trước 30/9.
Tại Hà Nam, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã xét nghiệm 407.000 mẫu, trả kết quả 391.000 mẫu. Tổng lực lượng huy động hỗ trợ Hà Nam chống dịch khoảng 10.000 người.
Ban đầu tỉnh dự kiến giãn cách toàn thành phố Phủ Lý theo Chỉ thị 16. Nhưng Thủ tướng yêu cầu xem lại, bởi cách ly diện rộng sẽ gặp khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng kinh tế xã hội. Hà Nam sau đó điều chỉnh, chỉ giãn cách một số điểm. Đơn cử, có phường 12.000 dân, nhưng chỉ phong tỏa một ngõ với 36 hộ và 100 nhân khẩu. "Việc này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung cho việc khác như xét nghiệm", ông Huy nói.
Thủ tướng nói thêm, khi chỉ còn một tiếng nữa là Hà Nam giãn cách tại Phủ Lý, ông gọi điện cho lãnh đạo tỉnh, nói Phủ Lý gần 200.000 dân, cùng với 250.000 công nhân, tỉnh có đủ luôn lực đảm bảo an sinh xã hội cho gần 500.000 người trong hai tuần không? "Tỉnh đã điều chỉnh kịp thời và hai ngày qua êm ả. Thay vì phải giãn cách 500.000 người thì chỉ vài trăm người", Thủ tướng nói.
Ông dẫn chứng ca bệnh đầu tiên phát hiện ở Hà Nam thời gian qua là người đã cách ly 14 ngày. Lý do là chủng Delta có đặc điểm sinh học khác biệt so với biến chủng trước đó, như lây nhanh, nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng cũ, người mắc bệnh ít triệu chứng nhưng chuyển biến nhanh. Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, "với chủng cũ chúng ta áp dụng cách ly 14 ngày, nhưng với chủng mới phải cách ly ít nhất 19 ngày".