Sau quyết định áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, mới đây Chính quyền ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên quy mô hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 24/9 và mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào đầu năm sau.
Động thái leo thang căng thẳng thương mại này của Mỹ - Trung có thể gây lên tác động trực tiếp và gián tiếp với Việt Nam. Số ngành hàng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều bởi mức thuế 10% khá tương đồng với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, do đó dự kiến một số ngành hàng của Việt Nam có thể hưởng lợi trực tiếp.
Như hàng tiêu dùng, khoảng 27% tổng các mặt hàng Trung Quốc chịu áp thuế 10% thuộc ngành hàng này, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là hàng may mặc, giày dép, thủy sản và nông sản. Chiến tranh thương mại leo thang sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị phần tại Mỹ.
Máy móc, thiết bị cũng tương tự khi ngành hàng xuất khẩu trị giá gần 63 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ bị tác động toàn bộ khi Mỹ áp thuế suất 10% (chiếm 31% danh mục đánh thuế). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu máy móc, thiết bị từ Việt Nam vào Mỹ năm 2017 lại khá khiêm tốn do đó, mức độ và tác động của việc đánh thuế là không cao.
Tiếp theo là đồ gỗ, nội thất - lĩnh vực bị áp thuế với quy mô khoảng 23 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ bị ảnh hưởng toàn bộ. Các đơn hàng đồ gỗ, nội thất của Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia..., tạo cơ hội mở rộng thị phần cho đồ gỗ, nội thất của Việt Nam xuất vào Mỹ.
Một điểm tích cực và cũng là cơ hội là xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác.
Về đầu tư, vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi chi phí đầu tư tại Việt Nam vẫn tương đối thấp so với Trung Quốc. 8 tháng đầu năm, Trung Quốc có tổng số vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần là 1,22 tỷ USD. Lũy kế đến hết tháng 8/2018, Trung Quốc có 2.006 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn gần 12,7 tỷ USD, chiếm 3,8% tổng số vốn FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, xếp thứ 7/129 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư từ Trung Quốc chủ yếu từ các tỉnh lân cận với Việt Nam nhằm tận dụng thuận lợi về địa lý và thị trường, còn doanh nghiệp từ các tỉnh ở sâu trong nội địa Trung Quốc đầu tư chưa nhiều.
Ngoài ra Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam (với tổng vốn đăng ký là 13 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 7 tỷ USD, chiếm phần nhỏ trong tổng số 170 tỷ USD vốn thực hiện của tất cả các nước đầu tư vào Việt Nam). Một số doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam (chẳng hạn như Procon Pacific trước đây sản xuất toàn bộ sản phẩm tại Trung Quốc hiện đã phân bổ 25% tại Ấn Độ và 5-10% tại Việt Nam).
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể là cớ để ông Trump lập nên các hàng rào thuế quan, tăng thuế và ưu đãi khác để khuyến khích các tập đoàn Mỹ rút từ các nền kinh tế mới nổi về đầu tư trong nước, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng tăng chậm lại.
Ở khía cạnh ngược lại, chiến tranh thương mại có thể tác động tiêu cực đến thương mại Việt Nam và nguy cơ Việt Nam bị áp dụng chính sách phòng vệ của Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng đầu khu vực (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tương đương 190% GDP).
Trong ngắn hạn, thương mại của Việt Nam dự báo không bị ảnh hưởng nhiều do hầu hết các ngành, lĩnh vực Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc đều không phải là ngành Việt Nam tham gia xuất khẩu đầu vào nhiều sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại leo thang, Mỹ sẽ áp đặt một số biện pháp hạn chế với hàng Trung Quốc khiến một số hàng hóa cùng chủng loại của Việt Nam bị ảnh hưởng (như từng xảy ra đối với thép, nhôm). Về lâu dài, tác động lan tỏa có thể rất lớn, khó định lượng được ảnh hưởng.
Do vị trí địa lý gần gũi, một nguy cơ khác là hàng hóa dư thừa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá, các sản phẩm này có thể gây sức ép lớn đến thị trường trong nước. Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm nhu cầu nhập khẩu. Những điều chỉnh trên có thể khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.
Đối với nguy cơ Việt Nam bị Mỹ áp dụng biện pháp phòng vệ, trong số 3 điều kiện để xem xét đưa vào danh sách theo dõi của Mỹ, Việt Nam đã chạm 2. Việt Nam cần theo dõi sát sao và cần có chính sách để cân bằng thương mại hơn với Mỹ.
Tóm lại, dù có thể có được một số cơ hội hưởng lợi, nhưng rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại này là rất lớn, khó lường. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam luôn bám sát, theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau. Cơ hội có, nhưng cần chủ động, tăng năng lực để tận dụng cơ hội xuất khẩu và tỉnh táo sàng lọc dự án đầu tư, tránh hệ lụy lâu dài.
TS Cấn Văn Lực và Trung tâm Nghiên cứu BIDV