Chính quyền ông Donald Trump vừa thông báo sẽ áp thuế 10% lên các mặt hàng Trung Quốc với quy mô ảnh hưởng có thể tới 200 tỷ USD và tăng lên 25% đầu năm sau. Trung Quốc ngay sau đó cũng đã có hành động đáp trả lại Mỹ khi tuyên bố sẽ đánh thuế trên quy mô 60 tỷ USD. Những động thái "ăn miếng trả miếng" này được giới phân tích đánh giá đẩy cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, khi đưa ra đánh giá với Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán lại cho rằng bên cạnh những thách thức thì cơ hội cũng là không nhỏ. Trong đó, nhiều ngành hàng trong nước được dự báo có thể hưởng lợi lớn.
"Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam", khối phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá.
Theo BVSC, các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất... sẽ "có cơ hội rất lớn" trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Lợi thế của những ngành này cũng tạo điều kiện thu hút thêm vốn FDI, qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.
Trong số những cái tên kể trên, BVSC cho rằng ngành dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại. Cơ hội đến với Việt Nam nhờ hai khía cạnh. Đầu tiên là đồng NDT mất giá so với USD và VND giúp các doanh nghiệp trong nước nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày giá rẻ hơn. Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần từ tay doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh, khi hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng nhà đầu tư đã có cái nhìn khác trước sự leo thang của chiến tranh thương mại. "Thay vì lo ngại về ảnh hưởng, họ cũng nhìn ra những cơ hội với những ngành kinh doanh trong nước. Và sự thay đổi kỳ vọng này đã được phản ánh vào giá của một số nhóm cổ phiếu", ông Minh đánh giá.
Hai phiên giao dịch gần đây trên thị trường chứng khoán, tất cả những mã cổ phiếu lớn liên quan đến ngành dệt may đều có diễn biến tích cực. Cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, TNG của Công ty Đầu tư và Thương mại TNG sáng nay đều tăng trần trong trạng thái "trắng bảng bên bán", những cái tên khác như cổ phiếu của May 10, Dệt may Thành Công cũng bật tăng mạnh.
Đánh giá về diễn biến này, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, thay vì tâm lý lo ngại như trước, nhà đầu tư đã có những kỳ vọng mới từ chiến tranh thương mại.
"Tâm lý nhà đầu tư trước ảnh hưởng của việc áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đối với triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có sự thay đổi. Thay vì lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của hoạt động thương mại trong ngắn trung hạn thì nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan về khả năng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong trung dài hạn sẽ diễn ra nhanh hơn", nhóm phân tích HSC nhận định.
Cùng quan điểm với BVSC, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng sẽ có cơ hội cho Việt Nam từ chiến tranh thương mại.
"Việt Nam có thể hưởng lợi nếu các doanh nghiệp Mỹ tìm chuỗi cung ứng thay thế và người tiêu dùng Mỹ dùng hàng hóa Việt Nam để thay thế", VCSC đánh giá. Theo số liệu từ công ty này, hàng hóa chịu mức thuế sắp tới của Mỹ lên Trung Quốc chiếm 29% xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức phải lưu tâm, nhất là các doanh nghiệp Việt nằm trong chuỗi cung ứng liên quan đến các sản phẩm của Trung Quốc bị đánh thuế và áp lực từ việc phá giá.
Theo nhóm phân tích của VCSC, việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng xuất khẩu nguyên vật liệu và linh kiện từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu của Trung Quốc yếu đi. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn nếu hàng hóa Trung Quốc bị bán phá giá tại Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề khác là việc các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm các nước thứ ba để "né thuế" và Việt Nam có thể trở thành một điểm trung chuyển như vậy.
"Thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng Trung Quốc mượn Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ", nhóm phân tích BVSC nhận xét. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy áp thuế giữa hai cường quốc lớn.
Trước đó, trong một báo cáo gần đây, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội (NCIF - Bộ Kế hoạch & Đầu tư) ước tính chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% năm 2018; mức giảm tăng lên 0,09% vào 2019 và đạt đỉnh điểm sụt 0,12% vào 2020-2021. Mức tác động sẽ giảm dần các năm sau đó.
Quy mô nền kinh tế theo thống kê đến cuối năm 2017 đạt hơn 220 tỷ USD (tương ứng trên 5 triệu tỷ đồng). Với tốc độ tăng 6,8% năm nay, quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 235 tỷ USD. Giả sử tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 6,5% mỗi năm trong 5 năm tới, quy mô kinh tế 2020 - 2022 lần lượt là 250,2 tỷ USD, 284 tỷ USD và 302 tỷ USD.
Với kịch bản Mỹ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, quy mô GDP Việt Nam năm 2018 theo NCIF, bình quân cả giai đoạn 2018 - 2022 căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.
Minh Sơn