Tại hội thảo về phát triển năng lượng sạch ngày 18/6, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay đã có thêm 92 dự án điện mặt trời, tổng công suất 4.600 MW được đưa vào vận hành. Cùng đó, 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch, tương đương 10.000 MW. Với điện gió, có 370 MW đã được đi vào vận hành và tiếp tục có chủ trương bổ sung 7.000 MW, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 11.600 MW.
Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo thay thế tối đa nguồn điện từ nhiên liệu hoá thạch, ông Dũng nói, là trọng tâm chính sách phát triển năng lượng tái tạo tới đây. Ngoài cơ chế giá FIT, cơ quan quản lý đang nghiên cứu cơ chế đấu thầu để thu hút vốn đầu tư, tăng hiệu quả dự án; và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút vốn đầu tư, tăng hiệu quả dự án.
"Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng sẽ đưa ra kịch bản tính toán để tối ưu phát triển năng lượng tái tạo", ông Dũng thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua (2007-2017) tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng bình quân 9,5%. Dự báo 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%.
Với nhu cầu điện thương phẩm này, công suất điện phải đạt khoảng 13.000-14.000 MW, nhưng đến nay mới có thêm 6.000 MW mỗi năm được bổ sung vào hệ thống. Tức là từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần thêm 5.000 - 7.000 MW bổ sung vào tổng công suất hệ thống điện.
Sự phát triển nhanh chóng các dự án năng lượng tái tạo đã góp khoảng 10% vào tổng công suất điện. Nhưng ngược lại, loại hình năng lượng này cũng đi kèm không ít rủi ro, thách thức.
Ông Hoàng Tiến Dũng nhận xét, các nguồn điện này chỉ đủ cung cấp, đáp ứng nhu cầu phụ tải chứ chưa có dự phòng đảm bảo những thay đổi bất ngờ. Chưa kể, sự phát triển nhanh và nhiều dự án năng lượng tái tạo cũng đặt lưới truyền tải trước thách thức lớn khi chưa thể lập tức đồng bộ cùng tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. "Lưới truyền tải do Nhà nước đầu tư nên thủ tục phức tạp, giải phóng mặt bằng hạn chế nên tốc độ xây dựng nguồn điện tái tạo thường nhanh hơn tốc độ xây dựng lưới", ông Dũng chia sẻ.
Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Năng lượng góp ý, cần tạo ra cơ chế chính sách để tự do hóa, tạo thị trường cho năng lượng tái tạo cạnh tranh, xã hội hoá đầu tư lưới truyền tải điện và thu hút đầu tư từ khu vực bên ngoài, nhất là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Nếu có cơ chế thông thoáng thì sẽ có sự quan tâm lớn các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước tham gia vào phát triển truyền tải điện. Nếu làm được sẽ huy động tất cả nguồn lực bên ngoài nhà nước tham gia để cùng phát triển", ông Tuấn nói.
Tuy nhiên ở khía cạnh này, ông Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại quan ngại khi nhiều dự án năng lượng tái tạo được nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư nhưng sau đó bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, nhiều dự án nằm ở các nhảy cảm an ninh quốc gia.
"Những dự án này nếu người Việt Nam đầu tư có lẽ không có chuyện gì, đối tác tin cậy cũng không có chuyện gì nhưng có phải đối tác nước ngoài nào cũng tin cậy không? Nếu họ có ý đồ thì sao, ai đảm bảo rằng họ không có ý đồ", ông Thiên đặt vấn đề.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh những dự án này đúng quy trình đầu tư nhưng "nếu sơ suất không tính đến an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc gia để xây dựng những điều kiện đảm bảo ràng buộc, hậu quả sẽ rất khó lượng".
Nhắc tới bài học ở Philippines khi nước này đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, ông Thiên nhấn mạnh, cần rà soát lại các điều kiện đầu tư những dự án năng lượng tái tạo để "chặn" nhà đầu tư không đủ năng lực, chưa làm, làm thủ tục xong bán cho nước ngoài vì "thực chất, đầu tư với mục đích chuyển giao dự án cho nước ngoài cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn".
Là địa phương có số dự án năng lượng tái tạo "bùng nổ" thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Đinh Xuân Vĩnh chia sẻ, rút kinh nghiệm quá trình phát triển các dự án năng lượng, tỉnh này đã ban hành tiêu chí chọn nhà đầu tư với yêu cầu buộc họ phải cam kết trong quá trình đầu tư không được sang nhượng, mua bán dự án. Điều này theo ông, nhằm tránh hiện tượng "bán lúa non dự án", chuyển nhượng dự án khi chưa hoàn thành.
Minh Anh