Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong do Covid-19 tại một số nước triển khai tiêm chủng thành công đang giảm mạnh. Các nhà khoa học dự đoán viễn cảnh tươi sáng không còn xa. Tuy nhiên, tình hình ở Ấn Độ, Philippines, Campuchia,... là câu chuyện hoàn toàn khác.
Tại những nơi chiến dịch tiêm chủng chưa thành công, vài tuần gần đây, số ca nhiễm leo thang chóng mặt. Hệ thống y tế oằn mình chống chọi. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy thay vì suy giảm như các nước phương Tây, lượng bệnh nhân Covid-19 ở những khu vực này cao nhất kể từ khi dịch khởi phát.
Sự sáng tối giữa hai bức tranh làm nổi bật điều các chuyên gia y tế cảnh báo từ lâu: hố sâu Covid-19 trong một thế giới "hai tầng". Ở đó, tình trạng bất bình đẳng do dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, nhất là khi cách biệt giữa nước có và không có vaccine tăng lên.
Tại những nước đủ vaccine, nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Chính phủ có thể nối lại du lịch nước ngoài trong vài tháng nữa.
Tại các quốc gia chưa thể tiêm chủng đại trà hoặc tốc độ tiêm chủng chậm, người dân bị nhấn chìm giữa nhiều làn sóng Covid-19 nối tiếp nhau, khả năng kéo dài sang năm sau, thậm chí lâu hơn nữa. Chính phủ vẫn phải đấu tranh giữa đóng cửa hoàn toàn biên giới, chịu thiệt hại về kinh tế với viễn cảnh tổn thất lâu dài.
Triển vọng phục hồi kinh tế giữa hai thế giới cũng hoàn toàn khác nhau. Khoảng cách khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói nặng nề.
Giáo sư Vivekanand Jha, giám đốc điều hành Viện Sức khỏe Toàn cầu George, cho biết: "Đó sẽ là một thế giới bất bình đẳng hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thấy đến nay".
Theo ông, nước nghèo vẫn sẽ bị những cơn sóng dịch bệnh hoành hành vào năm tới khi chỉ một phần nhỏ dân số được tiêm vaccine.
Chiến dịch tiêm chủng thành công ở Anh, Mỹ và Israel đã trở thành biểu tượng cho con đường thoát khỏi đại dịch, song chúng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ dân số thế giới. Anh tiêm vaccine cho gần một nửa dân, Mỹ đạt mức 40%. Con số này ở thế giới là 7%.
Nhiều quốc gia thậm chí chưa bắt đầu tiêm chủng. Quyết định hạn chế xuất khẩu từ các cường quốc vaccine như Ấn Độ khiến chuỗi cung ứng toàn thế giới chậm lại đáng kể.
Pakistan đã tiêm vaccine cho khoảng một nửa dân số. Nguồn tài trợ hoàn toàn đến từ Trung Quốc. Lô 17 triệu liều AstraZeneca từ chương trình Covax phải ít nhất hai tháng nữa mới đến nơi.
Nigeria mới tiêm chủng cho 0,5% dân. Ở toàn châu Phi, 0,8% người dân đã nhận vaccine. WHO tuần trước cho biết chỉ 2% số vaccine của thế giới được chuyển đến lục địa này. Trong khi Anh dự kiến tiêm vaccine cho tất cả người trưởng thành vào tháng 7 tới. Mục tiêu này quả là xa xỉ với các nước thu nhập thấp, trung bình.
Triển vọng phục hồi kinh tế của các khu vực cũng khác biệt. Geoffrey Okamoto, Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: "Ở Washington, mọi người bắt đầu bàn tán về thập niên 20 của thế kỷ 20, thời kỳ mà nền kinh tế Mỹ phát triển cực thịnh. Nhưng thực tế phũ phàng hơn với các nước nghèo nhất. Họ chưa thể có vaccine cho đến tận năm sau".
Khi khoảng cách vaccine bị khoét sâu, những nơi đã bước vào thời kỳ bình thường mới có thể sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới với quốc gia nơi đại dịch còn hoành hành. Điều này tiếp tục tạo ra sự phân chia khác.
"Người có hộ chiếu vaccine được đi du lịch, số khác không có quyền lợi đó. Ngay cả người tương đối khá giả vẫn cảm nhận được sức nặng của sự phân biệt đối xử này", giáo sư Jha nói.
Giáo sư Trudie Lang, Giám đốc Mạng lưới Y tế Toàn cầu tại Khoa Y Nuffield, Đại học Oxford, cho biết: "Xét trên mọi cấp độ, nền kinh tế, đi lại vẫn đình trệ. Thật thảm khốc!"
Bà cũng dự đoán sức khỏe cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, lâu dài.
"Nếu người dân bị phong tỏa, hạn chế du lịch và phải quanh quẩn trong hàng đống biện pháp dập dịch lặp đi lặp lại, quốc gia đó càng bị bỏ lại phía sau. Sự bất bình đẳng toàn cầu thêm sâu sắc", bà nói.
Việc phân phối vaccine không đồng đều cuối cùng vẫn ảnh hưởng đến cả những nước đã tiêm chủng đại trà. Biến thể nCoV nguy hiểm hơn, làm giảm hiệu quả của vaccine sẽ sớm xuất hiện ở những nước phát triển, đẩy lùi thành công dập dịch của chính phủ.
Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ - "nhà máy vaccine thế giới" - khiến lượng hàng chuyển đến các quốc gia khác bị trì hoãn. Thủ tướng Narendra Modi giữ nguồn cung cho công dân mình. Theo giáo sư Jha, một thế giới "hai tầng" không hề khiến những nước thu nhập cao an toàn khỏi dịch bệnh.
"Các biến thể sẽ xuất hiện, tìm đường sang châu Âu, châu Mỹ. Một số đột biến của virus có thể trốn tránh kháng thể từ vaccine. Người dân vẫn nhiễm bệnh", bà nói.
Thục Linh (Theo Telegraph)