Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm dưới 2 tuổi có nguy cơ cao mắc viêm phổi, viêm màng não. Lý do là các bé có hệ miễn dịch non yếu, trong khi chưa đủ điều kiện tiêm ngừa một số mũi vaccine. Nếu sinh non, suy dinh dưỡng hoặc không nhận được kháng thể phòng bệnh từ mẹ, khả năng mắc bệnh tăng cao hơn. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khi không được điều trị kịp thời, như nhiễm trùng huyết, tràn mủ màng phổi, viêm màng não, suy hô hấp cấp...
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong bốn tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi mắc viêm phổi, viêm màng não. Ví dụ bệnh nhi 2,5 tháng tuổi bị mệt, thở khò khè, bú kém trong ba ngày. Tại bệnh viện, bé lừ đừ, khó thở, thở lõm ngực, tím tái. Bác sĩ điều trị cho biết trẻ nhập viện muộn, mắc viêm phổi nặng và có dấu hiệu suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, chỉ định điều trị bằng kháng sinh bảy ngày. Hiện bé đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Một trường hợp khác 7 tháng tuổi, cũng nhập viện do sốt cao 39-40,5 độ C, mệt, nôn, bỏ bú, thóp phồng. Bác sĩ chẩn đoán mắc viêm màng não mủ do vi khuẩn, nhờ nhập viện kịp thời nên tránh được biến chứng sốc nhiễm khuẩn, thở máy và phẫu thuật.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, viêm màng não và viêm phổi đều nằm trong nhóm gây tử vong cao ở trẻ. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2019, toàn cầu có hơn 740.000 trẻ nhỏ chết do viêm phổi, trong đó có khoảng 19.000 trẻ sơ sinh, cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác. Tại Việt Nam, một thống kê năm 2015 cũng xếp viêm phổi đứng đầu nhóm bệnh gây tử vong ở trẻ nhỏ, với khoảng 4.000 trường hợp mỗi năm.
Với bệnh viêm màng não, WHO thống kê cứ năm người thì có một người sống sót, song phải chịu di chứng lâu dài như điếc, co giật, yếu tay chân, mù lòa, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm trí nhớ, sẹo và cắt cụt chi do nhiễm trùng huyết.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Đối với viêm phổi, các tác nhân phổ biến gồm virus cúm, sởi, thủy đậu, vi khuẩn phế cầu, ho gà, Haemophilus influenzae type B (Hib). Viêm phổi do Hib thường khởi phát âm thầm với các triệu chứng như sốt, ho và có đờm mủ, còn viêm phổi do ho gà dễ gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Bệnh viêm màng não có bốn tác nhân gây bệnh hàng đầu gồm vi khuẩn Hib, não mô cầu, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm B. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nguy cơ cao hơn ở nhóm dưới 2 tuổi, chưa có miễn dịch bảo vệ.
Tuy nhiên, cộng đồng có tỷ lệ người mang mầm bệnh không triệu chứng dẫn tới khó phát hiện, cách ly bảo vệ trẻ. Vi khuẩn Hib và một số tác nhân khác có tỷ lệ kháng rất cao với thuốc kháng sinh thông thường để điều trị viêm phổi, gây khó khăn và tốn kém chi phí điều trị.
Trong bối cảnh miền Bắc giao mùa xuân hạ, miền Nam có nắng nóng gay gắt, thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân chủ động phòng viêm phổi, viêm màng não cho trẻ.
Hiện thời tiết giao mùa tại miền Bắc và nắng nóng gay gắt tại miền Nam, là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển. Viêm màng não và viêm phổi mặc dù nguy hiểm nhưng phần lớn tác nhân gây bệnh đã có vaccine phòng ngừa đơn giản, hiệu quả.
Để phòng viêm phổi, gia đình nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và kéo dài đến hai tuổi. Việc này giúp đảm bảo trẻ nhận được kháng thể từ mẹ truyền sang, có đề kháng tốt nhất. Trẻ lớn tuổi hơn nên ăn bổ sung đủ bốn nhóm thực phẩm như ngũ cốc, đạm động vật, đậu...
Thời tiết mùa hè nóng bức, khó chịu, song gia đình không nên cho con ăn, uống thực phẩm lạnh như kem que, nước đá. Đồ uống lạnh giúp hạ thân nhiệt đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Không nên sử dụng điều hòa chế độ lạnh dưới 25 độ C, phòng nghỉ và chơi của trẻ nên thoáng mát, tránh ra quá nhiều mồ hôi gây thấm ngược dẫn đến cảm lạnh. Người lớn vệ sinh nhà ở sạch sẽ, không hút thuốc lá, cách ly với trẻ khi bị bệnh.
Để phòng viêm màng não, gia đình cần tuân thủ điều trị khi trẻ bị ốm như viêm hô hấp, viêm amidan, viêm họng mủ. Lý do là các bệnh này có thể biến chứng viêm màng não khi không được điều trị đúng.
Bên cạnh đó, gia đình chú ý chủng ngừa cho trẻ đúng lịch, đặc biệt các mũi trong những năm đầu đời. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine sáu trong một sử dụng trong chương trình tiêm chủng dịch vụ giúp phòng các bệnh viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib.
Trong đó, loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai vaccine có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn tương đương. Trẻ cần tiêm ba mũi vào các tháng 2, 3, 4 và nhắc lại mũi bốn khi 16-18 tháng tuổi, cần hoàn thành phác đồ trước hai tuổi.
Ngoài ra, hệ thống tiêm chủng dịch vụ và miễn phí cũng có nhiều loại vaccine khác giúp phòng phế cầu, não mô cầu, cúm, sởi, thủy đậu, rubella cho trẻ. Gia đình chú ý chủng ngừa đủ, đúng lịch cho con, tăng khả năng phòng bệnh.
Văn Hà