Trả lời:
Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng lớp biểu mô lát ở cổ tử cung bị bong ra, thường do tổn thương cổ tử cung khi đẻ, nạo hút, sẩy thai... Nếu chỉ là tổn thương lộ tuyến đơn thuần thì người phụ nữ sẽ thấy khí hư ra nhiều hơn bình thường, gây ẩm ướt khó chịu. Diện lộ tuyến càng rộng thì khí hư ra càng nhiều nhưng thường khí hư trong, không mùi. Nhưng nếu có vi khuẩn gây bội nhiễm thì gọi viêm lộ tuyến, khi đó khí hư ra nhiều có màu vàng, mùi hôi hoặc bội nhiễm nấm thì người bệnh kèm theo ngứa âm đạo.
Về điều trị, tùy theo viêm do vi khuẩn hay nấm mà dùng thuốc khác nhau. Điều trị tại chỗ bằng đặt thuốc cổ tử cung âm đạo là quan trọng. Đôi khi do nấm thì cần điều trị bằng cả thuốc uống, thuốc đặt chống nấm và điều trị cả chồng. Sau khi điều trị hết viêm mà diện lộ tuyến rộng (đường kính lớn hơn 0,5 cm), bác sĩ sản phụ khoa sẽ quyết định diệt tuyến bằng đốt điện hoặc áp lạnh hay laze tùy phương tiện ở bệnh viện đó cho phép có thể áp dụng. Đây là một phương pháp đơn giản, bệnh nhân không cần nằm viện sau khi đốt điện, chỉ cần dùng kháng sinh và kiêng giao hợp 1-2 tuần để liền sẹo.
Người ta thấy rằng ở những phụ nữ hiếm muộn mà có viêm lộ tuyến thì sau khi điều trị khỏi, tỷ lệ có thai là 30% (với điều kiện không viêm tắc và có rụng trứng). Tuy nhiên trong thư bạn nói kinh nguyệt không đều và rong kinh thì không hiểu bạn bị rong kinh từ khi nào? Bình thường vòng kinh là 21-30 ngày nhưng có người vòng kinh thưa tới 40 ngày, có người vòng kinh ngắn dưới 20 ngày, nhưng nếu tháng nào cũng thế thì vẫn gọi là đều. Còn rong kinh là thấy kinh kéo dài trên 7 ngày và thường rong kinh sẽ gây vòng kinh không đều. Những người rong kinh cũng dễ bị viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung vì môi trường máu thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nếu không vệ sinh kinh nguyệt tốt.
Cần lưu ý: Những người có diện viêm rộng, lại ra máu bất thường, ra máu sau giao hợp, có tiền sử sinh hoạt tình dục trước 18 tuổi cần đề phòng ung thư cổ tử cung. Hiện nay, để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, người ta khuyên phụ nữ có sinh hoạt tình dục nên làm phiến đồ âm đạo hai năm một lần và phụ nữ trên 40 tuổi làm một năm một lần. Trường hợp của bạn cần khám ở nơi có bác sĩ chuyên khoa sản để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm. Nếu cần nhờ bác sĩ làm vệ sinh hằng ngày và đặt thuốc âm đạo sẽ nhanh khỏi hơn mình tự đặt. Trong thời gian đặt thuốc phải kiêng giao hợp.
(Sức Khỏe & Đời Sống)