Australia cử 4 máy bay trinh sát và hai tàu tới khu vực để tìm kiếm vật thể. Bên cạnh đó, một máy bay Orion của không quân New Zealand và một chiếc P8 Poseidon của hải quân Mỹ cũng được triển khai.
Theo ABC News, việc sử dụng máy bay Poseidon P-8 tham gia tìm kiếm là dấu hiệu cho thấy mức độ khó khăn trong việc xác định những vật thể vệ tinh chụp được hay bất kỳ mảnh vỡ nào ở phía nam Ấn Độ Dương.
Vùng tìm kiếm nằm cách thành phố Perth của Australia khoảng 2.500 km về phía tây và gần Nam Cực. Nó thuộc vùng biển hẻo lánh đến mức Poseidon phải mất 3 giờ bay mới đến nơi.
Khi tới vị trí tìm kiếm, chiếc phi cơ chỉ bay ở độ cao gần 100 m so với mặt biển. Radar và các máy quay công suất lớn dưới máy bay sẽ quét khoảng 25 km mặt biển ở cả hai phía của máy bay, trong khi đó, những người quan sát ngồi gần các cửa sổ trên phi cơ để nhìn xuống biển. P-8 bay qua lại tìm kiếm giống như một chiếc máy cắt cỏ. Hệ thống radar phát hiện một số vật thể, nhưng chúng chỉ là một tàu chở hàng và hai đàn cá heo.
Phi cơ Poseidon có đủ nhiên liệu để tìm kiếm trong vòng ba giờ trên diện tích khoảng 10.600 km vuông. Sau đó, nó phải bay trong ba giờ nữa để trở về căn cứ ở phía bắc thành phố Perth, Australia.
(Video: CNN)
Ngoài ra, Nhật Bản cùng Trung Quốc cũng điều thêm máy bay tới tham gia hoạt động tìm kiếm. Hai phi cơ quân sự Ilyushin IL-76 Trung Quốc đã có mặt tại Australia và bay ra khu vực tìm kiếm. Hai máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật Bản dự kiến cất cánh vào cuối ngày hôm nay.
Theo ông John Young, lãnh đạo Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) và là người giám sát hoạt động tìm kiếm, Trung Quốc "rõ ràng có mối quan tâm đặc biệt trong hoạt động này". Young cho biết ngoài hai máy bay quân sự, Trung Quốc còn điều động tàu nghiên cứu Xue Long (Tuyết Long) tới hỗ trợ.
(Video: BBC)
Phương thức tìm kiếm khác
Peter Kowalczyk, một trong những người sáng lập Ocean Floor Geophysic, công ty chuyên thăm dò khai thác khoáng sản dưới lòng đại dương có trụ sở ở Vancouver, Canada, cho rằng việc tìm kiếm MH370 có thể sử dụng các phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV).
Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm cần thu hẹp phạm vi lại. "Vấn đề quan trọng nhất lúc này là tìm thấy mảnh vỡ, để từ đó tìm ra khu vực máy bay rơi. Bởi càng mất thời gian tìm khu vực gặp nạn, việc xác định vị trí MH370 ở đáy đại dương càng khó khăn", CBC News dẫn lời Kowalczyk nói.
Theo Kowalczyk, hộp đen trên Boeing 777 có thiết bị có thể phát ra "ping", một dạng tín hiệu ngắn. Nếu các tàu tìm kiếm bắt được tín hiệu này, họ có thể khoanh vùng khu vực có xác máy bay dưới đáy đại dương. Lực lượng tìm kiếm chỉ có thời gian khoảng 1 tháng trước khi pin của bộ phận phát tín hiệu cạn kiệt.
Ngoài ra, lực lượng tìm kiếm có thể sử dụng phương tiện tự động dưới nước (AUV) nếu không bắt được "ping". "AUV đi vào lòng đại dương trong vòng 18 giờ và bạn phải lập trình đường đi cho nó giống như của máy cắt cỏ. Nó sẽ tìm kiếm qua lại và chụp hình đáy đại dương bằng radar siêu âm", Kowalczyk cho hay.
Video cách ROV, AUV tìm kiếm dưới đại dương
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích từ hôm 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh với 239 người trên khoang. Đến nay Malaysia đã nhờ 25 nước tham gia tìm kiếm máy bay.
Công việc tìm kiếm trong những ngày gần đây ở ngoài khơi Australia tập trung vào các vật thể lớn do vệ tinh phát hiện. Ngày 20/3, Australia công bố phát hiện hai mảnh vỡ kích thước 24 m và 5 m trên ảnh vệ tinh. Ngày 22/3, Trung Quốc tuyên bố phát hiện một vật thể 22 x 13 m trên ảnh vệ tinh chụp hôm 18/3. Một máy bay tham gia tìm kiếm cũng phát hiện được một kiện gỗ và dây đai trôi nổi trong khu vực. Tuy nhiên, chưa có dấu vết chắc chắn các vật thể này thuộc về MH370.
Video hoạt động tìm MH370 ở nam Ấn Độ Dương
(Video: WSJ)
Như Tâm