Ngày 23/12 nghi phạm Luigi Magione, người bị khởi tố với cáo buộc giết ông Brian Thompson, CEO của hãng bảo hiểm y tế United Healthcare, đã ra tòa dự phiên điều trần đầu tiên.
Không có ai trong gia đình anh này đến dự buổi điều trần, nhưng có rất nhiều người tụ tập ở trước tòa với các biểu ngữ phản đối ngành bảo hiểm y tế Mỹ.
Vì sao ngành bảo hiểm y tế Mỹ lại bị thù ghét tới như vậy?
Bảo hiểm y tế đại khái là, bạn sẽ đóng tiền bảo hiểm hàng tháng cho hãng bảo hiểm A. Nếu bị bệnh, bạn sẽ đi gặp một nhân viên y tế "trong hệ thống" (in network), tức là một nhân viên y tế có hợp đồng với hãng bảo hiểm A.
Nhân viên y tế chữa xong, gởi yêu cầu thanh toán về cho hãng bảo hiểm A để họ trả tiền cho nhân viên y tế. Tùy theo hợp đồng của bạn mà bạn có thể phải trả một số tiền nhất định, như trả 35 USD cho mỗi lần gặp bác sĩ, hay là một phần trăm nhất định cho số tiền mà nhân viên y tế tính cho lần chữa trị đó.
Các rắc rối sẽ xảy ra khi công ty bảo hiểm từ chối không thanh toán các hóa đơn chữa bệnh.
Có một số trường hợp như, một người bị ung thư, bác sĩ bảo phải vào hóa chất 35 lần nhưng công ty bảo hiểm nói là chỉ cần 28 lần là đủ. Mỗi lần vào hóa chất có hóa đơn 13 nghìn USD, tính ra người bệnh phải trả thêm 7 lần thì nhiều người sạt nghiệp là phải.
Một số rất lớn người Mỹ sẽ không có cách chi trả được số tiền này, và chỉ còn cách là chấp nhận 28 lượt truyền hóa chất. Sau đó bệnh có hết hay không thì ráng chịu.
Đấy chỉ là một ví dụ đơn giản, còn trên thực tế có nhiều vụ việc tồi tệ hơn nhiều. Chỉ cần lên mạng xã hội là bạn sẽ thấy hàng nghìn câu chuyện đau thương với những vụ mổ xẻ không được chấp thuận, những người chờ đợi được chữa trị nhưng công ty bảo hiểm không chịu chi trả.
Nếu bạn hay người thân lâm vào tình trạng bệnh nặng, sắp chết và bảo hiểm không chịu trả tiền để chữa, thì bạn có cáu cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Đáng nói hơn là các công ty bảo hiểm y tế hoạt động như một công ty tìm kiếm lợi nhuận. Nói cách khác, công việc của công ty là kiếm tiền cho cổ đông, chứ không phải là để phục vụ khách hàng.
United Healthcare có lợi nhuận lên đến 6 tỷ đô Mỹ chỉ trong vòng quý 3 của năm 2024, tức là khoảng 24 tỷ đô Mỹ trong một năm. Nếu bạn ngồi đó và thấy mình sắp chết vì không được công ty bảo hiểm trả tiền chữa bệnh, trong khi công ty vẫn lời to, thì cơn tức giận của nhiều người là rất dễ hiểu.
Tất cả các nước phát triển, trừ Mỹ, đều có dịch vụ y tế miễn phí cho toàn bộ người dân, nhưng thường kèm theo "bảo hiểm tự nguyện" hay "tự trả". Ở Australia, người dân nhận được thẻ y tế miễn phí, được chi trả bởi nhà nước, nhưng cũng có thể mua thêm bảo hiểm ở các công ty tư nhân, hay móc tiền túi chi trả, nếu muốn.
Khi khám chữa bệnh thì các cơ sở nhận "bảo hiểm nhà nước" nhiều khi đông đúc quá mức, và bạn có thể chuyển sang các cơ sở tư nhân nhận bảo hiểm tư nhân hay dùng tiền túi để trả. Còn khi là việc cấp cứu thì các cơ sở y tế lớn, có chức năng cấp cứu, đều nhận.
Nếu bạn hỏi những ai ở Anh hay ở Đức, chắc hẳn bạn sẽ được nghe kể chuyện rằng họ bị ốm, gọi cho văn phòng bác sĩ thì sẽ được cho chờ đợi, đợi đến khi bạn hết bệnh sẽ tới lượt bạn được khám. Đấy là các bệnh nhẹ. Các bệnh nặng hơn thì hy vọng là bạn sẽ còn sống khi tới lượt.
Tất cả các hệ thống y tế của các nước phát triển đều lâm vào tình trạng khó khăn do các thực tế của thị trường.
Trước đó, tôi có thấy một biếm họa về y tế trên mạng xã hội. Ở Mỹ, bác sĩ khám xong cho bệnh nhân vào bảo "Thủ thuật này sẽ tốn 38 nghìn đô nhé anh". Ở Anh, bác sĩ bảo "38 tuần nữa tôi sẽ chữa cho anh nhé". Ở Canada, bác sĩ bảo "Anh cứ về đi, nếu tôi có suất chữa sẽ gọi lại cho anh, trừ khi anh chết mất trong lúc đợi chờ".
Anh và Canada cũng dùng một hệ thống tương tự như Australia và hệ thống y tế công đang lâm vào tình trạng quá tải. Tiền thuế của người dân không đủ chi trả cho các nhu cầu y tế khi dân số ngày một già đi và nhiều người bị bệnh, nên nhiều người chưa tới nỗi cấp cứu phải chờ đợi mỏi mòn để được chữa bệnh.
Ở Mỹ, vì lợi nhuận nên các bệnh viện mọc lên rất nhiều, các bác sĩ nhiều khi "chế ra bệnh" hay đưa ra các loại thuốc đắt tiền nhằm vắt túi tiền của bảo hiểm. Rốt cục chỉ có người bệnh là mắc kẹt giữa hai "làn đạn" bằng tiền.
Đó là những thực tế đắng cay về việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Khi tôi đọc thấy những lời đề nghị về việc nên đưa danh sách các loại thuốc chữa ung thư vào mục được thanh toán bởi bảo hiểm y tế Việt Nam, tôi tự hỏi sẽ lấy đâu ra quỹ để thanh toán.
Ở Mỹ, các công ty bảo hiểm có tiền nhưng họ còn bận thu lợi. Ở các nước phát triển khác thì họ phải để cho người dân chờ đợi rất lâu.
Cũng có người nói rằng, con người đã mất hết nhân tính khi xem Luigi Magione là người hùng. Nhưng họ chắc sẽ nghĩ khác khi họ phải đối mặt với cái chết vì hóa đơn của họ bị công ty bảo hiểm từ chối.
Đây là lời cảnh tỉnh cho chủ nghĩa tư bản khi dấn thân vào thị trường y tế. Cái chết của ông Brian Thompson rồi cũng sẽ chả có ý nghĩa gì, khi các công ty bảo hiểm vẫn bị cuốn vào vòng lợi nhuận.
Luigi Mangione, 26 tuổi, xuất hiện tại Tòa án Manhattan, New York, đối mặt 11 tội danh, bao gồm giết người và khủng bố, nhưng không nhận tội. Mangione bị cáo buộc bắn chết CEO UnitedHealthcare, Brian Thompson, ngày 4/12. Cảnh sát bắt Mangione tại Pennsylvania nhờ tin báo, phát hiện thư viết tay thể hiện căm ghét ngành bảo hiểm, được coi là động cơ vụ án. Phiên điều trần thu hút đông đảo người theo dõi trong và ngoài tòa. Người dân ngồi kín 4 hàng ghế trong phòng xử án để theo dõi phiên điều trần, trong khi đám đông tụ tập bên ngoài tòa, giơ các biểu ngữ chỉ trích ngành bảo hiểm Mỹ. |
Khanh Huỳnh
*Bạn mua và dùng bảo hiểm y tế ở Mỹ thế nào? Chia sẻ tại đây.