Trả lời:
Tùy theo công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể, mỗi loại vaccine sẽ có khả năng tạo kháng thể và thời gian duy trì miễn dịch khác nhau. Ví dụ vaccine bất hoạt được điều chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt hoặc bị giết chết, chưa tạo được miễn dịch bền vững sau một mũi tiêm nên cần tiêm nhắc để kích thích cơ thể sinh kháng thể nhiều và bền vững hơn. Một số vaccine sống giảm độc lực cần tiêm nhắc lại thêm một mũi để tạo miễn dịch tối đa cho cơ thể. Nếu tiêm, uống vaccine không đủ liệu trình, mọi người nhận được miễn dịch thấp, khả năng nhiễm bệnh còn cao gây lãng phí tiền bạc, công sức.

Tiêm vaccine nhắc lại giúp tăng hiệu quả miễn dịch bảo vệ của vaccine. Ảnh: An Nhiên
Bên cạnh đó, nồng độ kháng thể có thể bị giảm xuống theo thời gian. Ví dụ, trẻ được tiêm 3 liều cơ bản vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván khi dưới 1 tuổi thì đến 18 tháng, kháng thể sẽ giảm xuống, không đủ bảo vệ nên cần tiêm nhắc. Hoặc virus cúm thay đổi theo năm, khiến hệ thống miễn dịch cơ thể khó nhận biết, do đó vaccine cũng được cập nhật và cần tiêm nhắc một năm một lần.
Để tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho mỗi lần tiêm chủng, mọi người có thể tiêm gộp nhiều loại vaccine trong cùng một buổi. Việc tiêm cùng lúc nhiều vaccine sẽ tạo hiệu quả miễn dịch tương đương và không làm quá tải hệ miễn dịch, giúp giảm số mũi tiêm, tiết kiệm thời gian và kinh phí. Tùy vào lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm sẽ thông báo cho loại vaccine nào có thể phối hợp tiêm mỗi lần khám.
ThS Nguyễn Diệu Thúy
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC