Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 24/5 cáo buộc "các thế lực chính trị ở Washington đang đẩy quan hệ với Bắc Kinh đến bờ vực Chiến tranh Lạnh" trong khi đôi bên cần hợp tác nhằm chống Covid-19, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên tìm cách thay đổi Trung Quốc.
Trong cuộc họp báo kéo dài hơn một tiếng ở Bắc Kinh, ông Vương bảo vệ cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch cũng như sự cần thiết của dự luật an ninh với Hong Kong mà quốc hội nước này sắp thông qua.
"Ngoài nCoV, một virus chính trị khác đang lây lan ở Mỹ, nó tận dụng mọi cơ hội để tấn công và làm mất uy tín Trung Quốc", ông Vương nói. "Một số chính trị gia hoàn toàn coi thường những thực tế cơ bản và đã bịa đặt quá nhiều lời dối trá nhằm vào Trung Quốc cũng như bày ra quá nhiều âm mưu".
Cảnh báo mà Ngoại trưởng Vương đưa ra về mối quan hệ Mỹ - Trung cũng chính là mối quan ngại mà nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế đã nêu ra suốt thời gian qua, khi quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng căng thẳng.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa "cắt đứt hoàn toàn" quan hệ với Trung Quốc", Nhà Trắng tuần trước còn đề cập tới việc "cân nhắc lại" những yếu tố cơ bản trong mối quan hệ với nước này, trái ngược hoàn toàn quan điểm của các chính quyền tiền nhiệm là tăng cường hợp tác cùng Bắc Kinh với hy vọng họ sẽ dần dần chấp nhận các giá trị phương Tây.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien trong cuộc phỏng vấn với NBC hôm 24/5 còn đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục nếu dự luật an ninh được thông qua.
Nghị quyết về dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh hôm 22/5, trong đó cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố.
Dự luật này được dự đoán sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" trong quan hệ Mỹ - Trung, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo nó là "kết thúc" của quyền tự trị đặc khu. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng. Điều 23 Luật Cơ bản cũng quy định Hong Kong tự ban hành điều luật an ninh riêng.
Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Mỹ ký vào bản tuyên bố chung, gọi đây là "đòn tấn công toàn diện vào quyền tự trị, pháp trị và tự do cơ bản của thành phố".
Từ vấn đề thương mại, thị thực, an ninh mạng, Đài Loan và nay là dự luật an ninh Hong Kong, hai cường quốc hàng đầu thế giới không ngừng đối đầu nhau trên nhiều mặt trận.
Căng thẳng được cho là sẽ ngày càng leo thang cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, bởi khi kinh tế Mỹ thiệt hại nặng nề vì Covid-19, Trump đang áp dụng chiến lược công kích Trung Quốc như là động lực chính cho chiến dịch tái tranh cử của mình.
Trung Quốc trong khi đó đang huy động mọi nguồn lực tiến hành chính sách "ngoại giao chiến lang" nhằm bảo vệ hình ảnh trước những đòn công kích và cáo buộc từ Mỹ.
Theo phó giáo sư Li Mingjiang từ Trường nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, dù đưa ra cảnh báo đanh thép, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn kiềm chế hơn rất nhiều so với các nhà ngoại giao theo đuổi chiến lược "chiến lang" và cố gắng để không làm xói mòn thêm mối quan hệ song phương.
"Ông ấy cân bằng bình luận một cách có chủ đích. Dù chỉ trích Mỹ, ông ấy vẫn thúc giục những người đưa ra quyết định ở Washington cân nhắc kỹ lưỡng hơn và hợp tác với Trung Quốc", phó giáo sư Li nhận xét.
Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc ở Australia, cho rằng phương pháp tiếp cận hòa giải hơn của ông Vương và chiến lược "ngoại giao chiến lang" thực tế đang bổ sung lẫn nhau. "Trong thế giới cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, hợp tác và đối đầu buộc phải song hành", ông nói.
Trong bài phân tích cho Trung tâm Nghiên cứu Độc lập Australia, giáo sư Alan Dupont đánh giá một cuộc chuyển đổi địa chính trị đang diễn ra. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, công nghệ, chiến lược cùng những giá trị khác đã "dồn nén lại và mở ra viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Dupont khẳng định cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung chính là hệ quả của những "bất đồng địa chính trị sâu sắc và nguy hiểm".
Theo Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, "nhiều tiếng nói đang nổi lên, kêu gọi coi cạnh tranh với Trung Quốc là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại Mỹ, tương tự chính sách với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh". Tuy nhiên, Haass lưu ý quan điểm này chắc chắn là một sai lầm chiến lược. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang lao đao vì dịch bệnh như hiện nay, một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc sẽ chỉ khiến tình hình trở nên thêm tồi tệ.
Jabin T. Jacob, phó giáo sư tại Đại học Shiv Nadar, Ấn Độ, nhận định quan hệ Mỹ - Trung hiện nay có nhiều điểm tương đồng cuộc ganh đua Washington - Moskva trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có những khác biệt quan trọng.
"Thế giới không còn bị chia làm hai cực như trước nữa mà đã hình thành những cực thứ ba như EU, Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản. Họ có quyền lựa chọn có đứng về bất kỳ bên nào hay không, tùy từng trường hợp. Thực tế này có thể dẫn tới một trật tự quốc tế rất khác", ông cho hay.
Nhưng Jacob cảnh báo mối quan hệ Mỹ - Trung có thể tiếp tục xấu đi nếu Trump tái đắc cử vào tháng 11. "Nếu Trump tiếp tục nhiệm kỳ hai, nền tảng tư tưởng về cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục được củng cố thêm", chuyên gia này nói.
Vũ Hoàng (Theo Straits Times, SCMP, Australian)