Theo China Daily, trong cuộc họp với báo giới tại Bangkok cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Nga trong lúc đồng rúp đang mất giá nghiêm trọng.
"Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Nga vẫn đang phát triển ở một tầm cao, vì vậy chúng tôi luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Nếu phía Nga cần, chúng tôi sẽ có những hỗ trợ cần thiết trong khả năng và phạm vi cho phép", Bộ trưởng Vương nói.
Cũng trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Bắc Kinh thực hiện đường lối ngoại giao nước lớn tại buổi họp báo thường niên. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Putin cho hay, tổng thống chưa thảo luận với đối tác Trung Quốc về bất kỳ chương trình hỗ trợ tài chính nào.
Giới phân tích cho rằng nền tài chính Nga đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng, khi chịu hai tầng sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và tình trạng giá dầu thế giới không ngừng suy giảm.
"Các biện pháp hiện nay không phải là phương án lâu dài để giải quyết tình thế khó khăn trước mắt", Financial Times dẫn báo cáo của Công ty tư vấn Anbound cho biết. "Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, Nga sẽ cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và Trung Quốc là đối tác lý tưởng nhất trong tình thế hiện nay".
Hiện nay, Nga có 420 tỷ USD lượng ngoại hối dự trữ để ứng phó với sức ép tài chính trước mắt. Tuy nhiên, hơn một nửa lượng tiền này có tính lưu động thấp, kết hợp với tình trạng chảy máu ngoại tệ nghiêm trọng, cũng như tác động của giới đầu cơ tiền tệ quốc tế, làm suy giảm khả năng ứng phó của Moscow.
Việc Trung Quốc chủ động ngỏ ý hỗ trợ Nga cho thấy những tính toán chiến lược của Bắc Kinh, chủ yếu trên hai phương diện là lợi ích kinh tế và địa chính trị. "Trung Quốc nên ra tay hỗ trợ Nga, tuy nhiên phải lựa chọn chính xác thời cơ, mức độ và lĩnh vực, để vừa tạo được thế lá lành đùm lá rách, vừa tránh bị cuốn vào quá sâu", báo cáo của Anbound nhận định.
Về phương diện lợi ích kinh tế, Trung Quốc hiện nay là nước nhập khẩu dầu khí lớn nhất thế giới, vì vậy việc giá dầu xuống thấp sẽ có lợi cho quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế nước này, đồng thời gia tăng sự lệ thuộc của Nga vào thị trường năng lượng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu như nền kinh tế Nga không chịu nổi các sức ép từ bên ngoài, dẫn đến tình trạng phá sản, thì một hệ lụy trực tiếp nhất là việc cắt giảm nguồn cung dầu khí. "Điều này có thể khiến giá dầu thế giới cao trở lại, không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc", Giáo sư Tra Đạo Quýnh thuộc Đại học Bắc Kinh bình luận.
Mặt khác, Moscow và Bắc Kinh vừa ký hai hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá hàng trăm tỷ USD, vì vậy nếu như nền kinh tế hay chính trị Nga xảy ra biến động, thì các hợp đồng trên có thể phải đối diện với nguy cơ mất hiệu lực cao, tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng Trung Quốc.
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vừa qua đã phải trì hoãn khởi động dự án tuyến ống vận chuyển khí đốt Sức mạnh Siberia ký hồi tháng 5 với Trung Quốc, bởi tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. "Một nước Nga tương đối ổn định phù hợp với lợi ích kinh tế của Trung Quốc", Giáo sư Tra kết luận.
Ngoài ra, Trung Quốc được cho là sẽ ra điều kiện với Nga nếu như Moscow chấp nhận hỗ trợ từ Bắc Kinh, như yêu cầu mở rộng đầu tư nước ngoài tại một số lĩnh vực chiến lược.
Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết Bắc Kinh mong muốn mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng, cho phép họ nắm giữ cổ phần trong các hạng mục liên quan chứ không chỉ là người mua. Tuy nhiên, Moscow không quá nhiệt tình với viễn cảnh trên, bởi lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong tại khu vực Siberia ít người, đất rộng, giàu tài nguyên.
Yếu tố địa chính trị
Về phương diện địa chính trị, Nga và Trung cùng chia sẻ nhu cầu muốn thay đổi trật tự thế giới hiện tại do Mỹ nắm thế chủ đạo. Nga lo ngại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng về phía đông, đặc biệt là xu hướng khuếch trương của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), uy hiếp đến vùng ảnh hưởng chiến lược của Moscow. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trung Quốc thì cảm thấy bị Mỹ và các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiềm chế, đặc biệt trước chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Sức ép hiện tại từ biện pháp trừng phạt và nỗ lực cô lập Nga về chính trị của phương Tây, cộng với tham vọng tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc đang đẩy Moscow và Bắc Kinh vào vòng tay của nhau. Hai nước đang xây dựng mối quan hệ đồng minh tạm thời và một hiệp ước quân sự chung ngày càng trở nên hấp dẫn.
Vì vậy, giới hoạch định chính sách của Bắc Kinh nhận định rằng, một nước Nga tương đối ổn định và giữ khoảng cách nhất định với phương Tây, sẽ là một yếu tố quan trọng để kiềm chế Mỹ, có lợi cho Trung Quốc trong việc mở rộng không gian ngoại giao và dư địa chiến lược.
Mặt khác, Trung Quốc, Nga và ba nước khác trong nhóm các quốc gia đang trỗi dậy (Brics) vừa thành lập ngân hàng phát triển và quỹ tiền tệ riêng. Đây là nỗ lực của cả nhóm, đặc biệt là Trung Quốc nhằm có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính toàn cầu sau Thế chiến thứ hai do Mỹ và EU nắm thế chủ đạo. "Vì vậy, nếu Trung Quốc khoanh tay đứng nhìn, sẽ vô hiệu hóa tác dụng của các định chế mới này và tác động tiêu cực đến mục tiêu chiến lược của mình trong việc cải tổ trật tự kinh tế tài chính thế giới", báo cáo của Anbound nhận định.
Đức Dương