Châu Á năm 2014 xuất hiện xu hướng tăng nhiệt tại một loạt điểm nóng trong khu vực, từ các tranh chấp chủ quyền tại Hoa Đông, đến Biển Đông, rồi xung đột biên giới trên bộ Trung - Ấn. Xu hướng này cho thấy những bước dịch chuyển chiến lược trong thế cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực.
Song song với đó là sự ra đời của một số định chế đa phương mới, cũng như sự tăng cường hoạt động của các định chế cũ, cho thấy xu hướng hợp tác không thể đảo ngược bởi sự đan xen lợi ích giữa các quốc gia. Đây cũng là một quá trình tái tập hợp lực lượng trong bối cảnh tương quan sức mạnh trong khu vực đang thay đổi.
Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc
Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc là hai nhân vật chính, với những toan tính chiến lược có tác động mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh giành quyền ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Phần lớn các vần đề của châu Á năm nay xoay quanh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Bắc Kinh muốn đẩy đối thủ ra khỏi khu vực, trong khi Washington tăng cường gấp bội sự hiện diện của mình tại đây", Foreign Policy dẫn lời ông Daniel Twining, cựu chuyên gia thuộc nhóm hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận.
Từ góc độ của Mỹ và các quốc gia trong khu vực, hành động của Trung Quốc trong năm nay trái ngược với các tuyên bố về xây dựng mối quan hệ mới giữa các nước lớn hay chính sách thân thiện với nước láng giềng mà Bắc Kinh thường nói đến.
Cụ thể là các tàu tuần duyên nước này ngăn cản tàu tiếp tế của chính phủ Philippines ở một bãi san hô tranh chấp trên Biển Đông vào tháng 3. Bắc Kinh cũng thúc đẩy xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Cao điểm nhất là việc nước này bất chấp luật pháp quốc tế, đặt giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5.
"Các hành động của Trung Quốc dấy lên mối quan ngại lớn. Các nước cho rằng việc làm của Bắc Kinh không phải dựa trên cơ sở quan hệ cùng thắng, mà giống như hành vi của một cường quốc thế kỷ 19, hy sinh lợi ích của các nước láng giềng để tăng cường an ninh cho bản thân", tiến sĩ Stephen Hadley, giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình, cho biết.
Tuy nhiên, từ góc độ của Trung Quốc, những hành động trên được cho là nhằm đối phó với việc Washington thúc đẩy chiến lược "xoay trục về châu Á" - điều mà Bắc Kinh xem như cach để Mỹ bao vây, kiềm chế mình. Trong chuyến công du hồi tháng 4, Tổng thống Barack Obama đã tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ đồng minh Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Nhật Bản cũng là cường quốc có tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Á, đặc biệt khi phải đối diện với sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc cũng như căng thẳng xoay quanh tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư và vấn đề lịch sử.
Sự kiện nội các của Thủ tướng Shinzo Abe diễn giải lại quyền phòng thủ tập thể hồi tháng 7, cùng với việc liên minh cầm quyền do ông Abe đứng đầu thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, đã mở đường cho tiến trình thảo luận sửa đổi Hiến pháp Hòa bình và tăng cường sức mạnh quân sự. Điều này tạo tiền đề cho Nhật Bản chuyển mình từ một cường quốc kinh tế sang một cường quốc chính trị - quân sự.
Tokyo đang thực hiện đường lối ngoại giao tích cực hơn trong quan hệ với các cường quốc và định chế khu vực khác. Nhật Bản thắt chặt quan hệ ngoại giao, hợp tác quân sự và kinh tế với các nước ASEAN khi căng thẳng tại Biển Đông tăng cao. Nhật Bản cũng đã nâng cấp quan hệ với Ấn Độ, quốc gia cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, lên mức "đối tác toàn cầu chiến lược đặc biệt".
Tại Nam Á, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ hồi tháng 9, được kỳ vọng tạo ra lợi ích kinh tế cho hai cường quốc mới nổi, nhưng hai nước vẫn nhìn nhau đầy nghi ngại do các vấn đề an ninh và tranh chấp biên giới.
Ngay trước thềm chuyến công du, hàng trăm binh sĩ Trung Quốc tiến vào cao nguyên Ladakh phía tây Ấn Độ, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, dẫn đến tình trạng đối đầu giữa hai quân đội trong suốt ba tuần.
New Delhi cũng lo ngại trước sự hiện diện không ngừng gia tăng của Bắc Kinh tại Nam Á bằng cách hỗ trợ xây dựng một loạt cảng, nhà máy điện và cung cấp vũ khí. Nước này không ngừng mở rộng hợp tác với Sri Lanka, Maldives và các quốc gia khác, nhằm thực hiện hóa chiến lược Con đường Tơ lụa mới, uy hiếp địa vị chủ đạo của Ấn Độ.
Hợp tác hay tái tập hợp lực lượng
Châu Á năm 2014 chứng kiến một loạt xu hướng hợp tác song phương và đa phương mới, có tác động sâu rộng đến cục diện khu vực. Trong đó, được chú ý nhiều nhất là "cái bắt tay" chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, thông qua các thỏa thuận hợp tác khí đốt trị giá hàng trăm tỷ USD, các cuộc tập trận chung, cùng loạt hợp đồng mua sắm vũ khí mới.
Sức ép hiện tại từ các lệnh trừng phạt và nỗ lực cô lập Nga của phương Tây, cộng với tham vọng tăng cường sức ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc đang đẩy Moscow và Bắc Kinh vào vòng tay của nhau. Hai nước đang xây dựng mối quan hệ đồng minh tạm thời và một hiệp ước quân sự chung ngày càng trở nên hấp dẫn.
"Tình hình đang phát triển theo hướng đó. Nga hiện rơi vào một vị trí khiến nước này quan tâm đến việc tìm kiếm một khối quân sự bảo đảm hơn bao giờ hết", ông Alexander Salitsky, chuyên gia của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Moscow, cho biết.
Vấn đề lịch sử từ Thế chiến thứ hai và tranh chấp đảo Dokdo/Takeshima là hai rào cản lớn nhất trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc, nhưng đây cũng được cho là kẽ hở để Trung Quốc tăng cường hợp tác với Seoul, nhằm lôi kéo và phân hóa hệ thống đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong các chuyến thăm lẫn nhau của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hai nhà lãnh đạo đều lên tiếng chỉ trích thái độ của chính phủ Nhật Bản trên vấn đề lịch sử. Chuyến thăm Bắc Kinh nhân Hội nghị APEC hồi tháng 11 của bà Park cũng đánh dấu sự kết thúc của quá trình đàm phán hiệp định tự do Trung - Hàn, tạo điều kiện để thương mại song phương đạt mức 300 tỷ USD trong năm 2015.
"Trung Quốc nên liên kết với Hàn Quốc và đây sẽ là xu hướng phát triển trong tương lai", Giáo sư Diệm Học Thông, viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, bình luận. "Điều này sẽ trung lập một đồng minh của Mỹ, và Trung Quốc cũng sẽ có thêm bạn trên các vấn đề liên quan đến Nhật Bản".
Quân bài kinh tế cũng được Bắc Kinh vận dụng trong quan hệ với Australia, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ. Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, lãnh đạo hai nước thông báo đã hoàn tất một hiệp định tự do thương mại sau 10 năm đàm phán.
Năm 2014 cũng đánh dấu quyết định thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) gồm 21 quốc gia thành viên. Đây định chế tài chính mới do Trung Quốc đề nghị và bỏ một nửa vốn (50 tỷ USD), nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng AIIB là bước đi chiến lược của Bắc Kinh nhằm thách thức địa vị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), do Nhật Bản đứng đầu, từ đó cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ và đồng minh. Đây cũng giải thích cho việc Washington nỗ lực thuyết phục Australia và Hàn Quốc không tham gia vào AIIB, mặc dù hai nước trên có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.
"Đây có thể được coi là biểu hiện của chủ nghĩa Monroe mang màu sắc Trung Quốc. Trung Quốc đang kêu gọi các quốc gia châu Á xây dựng một nhận thức chung của khu vực, nhưng không bao gồm Mỹ và Nhật Bản", tiến sĩ Yoichi Funabashi, chủ tịch Quỹ Tái thiết Nhật Bản, đánh giá. Chủ nghĩa Monroe do Tổng thống Mỹ James Monroe đưa ra vào năm 1823, yêu cầu châu Âu không can thiệp vào vấn đề của châu Mỹ, nơi Washington chiếm vị thế chủ đạo.
Những biến động chính trị tại châu Á năm 2014 cho thấy xu hướng tái tập hợp lực lượng giữa các cường quốc nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là cuộc chạy đua giữa một cường quốc mới trỗi dậy muốn thay đổi trật tự hiện hành và một siêu cường muốn duy trì nguyên trạng.
Mặc dù vậy, giới học giả cho rằng cuộc chạy đua Mỹ - Trung ngày nay khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sự tập hợp lực lượng diễn ra không theo một trận tuyến hay hệ ý thức rõ ràng nào, mà căn cứ theo lợi ích đậm tính thực dụng. "Các quốc gia châu Á khác sẽ phải thích nghi và cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng cảnh giác trước khả năng hai cường quốc bão hòa lợi ích và đi vào thỏa hiệp, có thể sẽ bất lợi với các nước nhỏ hơn", chuyên gia Daniel Twining kết luận.
Đức Dương