Bác sĩ Phạm Văn Phú, Quản Lý Y khoa Vùng 3 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên trong bối cảnh Đồng Nai ghi nhận một ca nhiễm não mô cầu nặng. Bệnh nhi 12 tuổi ở TP Biên Hòa, mắc bệnh do não mô cầu và sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp nặng và suy đa cơ quan.
Theo bác sĩ Phú, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh do vi khuẩn não mô cầu, trong đó trẻ vị thành niên (10-17 tuổi) có nguy cơ cao hơn. Bên cạnh các lý do trên, trẻ tuổi này thường có khoảng trống miễn dịch do chưa được tiêm vaccine, kháng thể từ các mũi vaccine đầu đời giảm dần theo thời gian. Với bệnh do não mô cầu, hiện vaccine chỉ phổ biến trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Do đó, nhiều trẻ chưa tiêm vaccine nên không có kháng thể phòng bệnh.
Bên cạnh đó, một số phụ huynh cũng chỉ chú ý tiêm chủng cho trẻ nhỏ, bỏ qua trẻ lớn. Nhiều người chưa nắm thông tin về bệnh và cách phòng ngừa bệnh do não mô cầu bằng vaccine, nghĩ con đã tiêm chủng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng là đủ.
Trẻ vị thành niên thường giao lưu tiếp xúc với nhiều bạn bè, sinh hoạt ở trường lớp... sẽ dễ tiếp xúc với các chủng vi khuẩn não mô cầu phổ biến. Hiện thời tiết Việt Nam đang trong mùa đông, không khí lạnh, nhiệt độ thấp khiến cơ thể suy giảm sức đề kháng, mầm bệnh tồn tại lâu hơn ngoài môi trường cũng là yếu tố khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Phú cho biết con người là ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu, nhiều người mang vi khuẩn ở vùng hầu họng mà không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ sốt hoặc viêm mũi họng. Khi ra ngoài môi trường, vi khuẩn có thể sống được vài giờ, sống lâu hơn khi nhiệt độ lạnh.
Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người, người lành mang trùng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp não mô cầu vào nhóm bệnh nguy hiểm hàng đầu. Lý do, mỗi năm toàn cầu có hơn 2,5 triệu ca nhiễm và khoảng 240.000 ca tử vong vì căn bệnh này, cứ 6 người mắc có một người không qua khỏi.
Tại Việt Nam, não mô cầu là một trong 6 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân.
Trong đó, viêm màng não và nhiễm trùng huyết là hai thể phổ biến nhất của bệnh, có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ. 10-20% người sống sót gặp các di chứng nặng nề như cắt cụt chi, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần... Ngoài ra, các thể bệnh khác ít gặp hơn như viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm nắp thanh môn, viêm kết mạc.
Bác sĩ Phú lưu ý biểu hiện não mô cầu dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm như đau đầu, đau họng và khát nước, sau đó là đau nhức toàn thân và sốt trong vòng 5-8 giờ. Ở 9-12 giờ sau khi khởi phát sẽ xuất hiện các dấu hiệu buồn ngủ, khó thở, tiêu chảy, cứng cổ, phát ban và sợ ánh sáng. Bệnh nhân thường nhập viện muộn, tăng di chứng và khó điều trị.
Có 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu gây bệnh thường gặp gồm A, B, C, W-135 và Y đã có vaccine tại Việt Nam. Vaccine không có tác dụng phòng ngừa chéo giữa các nhóm. Mọi người nên chủng ngừa đúng và đủ loại, phác đồ ưu tiên gồm loại ngừa nhóm B và loại ngừa các nhóm A, C, Y, W-135. Vì vậy, trẻ vị thành niên nên chủng ngừa càng sớm càng tốt để tạo miễn dịch sớm.
Hiện Việt Nam có vaccine não mô cầu nhóm B thế hệ mới Bexsero (Italy) chỉ định cho người 2 tháng đến 50 tuổi. Trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi tiêm hai mũi cơ bản và một mũi nhắc. Người 2-50 tuổi cần tiêm hai mũi.
Vaccine Menactra (Mỹ) phòng não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135 dành cho người từ 9 tháng đến 55 tuổi. Trẻ từ 9 đến dưới 24 tháng tiêm hai mũi cơ bản, nhắc lại khi 15-55 tuổi. Người 2-55 tuổi tiêm một mũi cơ bản, mũi nhắc cách mũi tiêm trước ít nhất 4 năm khi 15-55 tuổi nếu có nguy cơ mắc bệnh. Còn vaccine Mengoc - BC (Cuba) phòng não mô cầu nhóm B, C dành cho người từ 6 tháng đến 45 tuổi gồm 2 mũi cách nhau ít nhất 45 ngày.
Ngoài tiêm vaccine, trẻ vị thành niên cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ nhà cửa sạch sẽ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám, hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Diệu Thuần