Mấy ngày gần đây, người dùng mạng xã hội xôn xao vì thông tin Phạm Đức Tuấn - chủ kênh TikTok "Tuấn không cận" (hơn 1,3 triệu lượt theo dõi), từng được biết đến là TikToker Nờ Ô Nô, bị xử phạt hành chính 30 triệu đồng vì có hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên nam TikToker này gây phẫn nộ khi sáng tạo và đăng tải những video với nội dung phản cảm nhằm mục đích câu view. Hồi cuối năm 2022, TikToker này từng bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải loạt video mang tên "người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó". Trong video, người này thường xuyên sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị người nghèo. Ngoài ra, nền tảng TikTok cũng xóa kênh hơn 600.000 lượt follow của anh này.
Ngựa quen đường cũ, đầu năm 2023, người này tiếp tục bị xóa kênh TikTok hơn 50.000 lượt follow do đăng tải lại những video cũ từng bị "ném đá" dữ dội. Vậy là tính đến nay, nam TikToker đã ba lần bị xóa kênh, hai lần bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 37,5 triệu đồng.
Ở đây, tôi không bàn đến mức phạt đã đủ sức răn đe hay chưa vì tất cả đều có chế tài, luật định, khung hình phạt đi kèm. Cái tôi quan tâm là con số lượt follow mà TikToker này đạt được sau mỗi lần bị xóa kênh, xử phạt: từ 50.000 tăng lên thành 1,3 triệu lượt. Vẫn chỉ một mô típ cũ là các nội dung gây sốc, phản cảm, bất chấp phản ứng tiêu cực của người xem để câu tương tác, câu view, nhưng tại sao anh ta thành công, kênh liên tục tăng trưởng?
>> 'Đi đâu cũng thấy người nghiện video TikTok nhảm nhí'
Tôi đặt một câu hỏi ngược lại: phải chăng chính người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đang góp phần lan tỏa, tạo điều kiện cho những nội dung độc hại tồn tại và không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ gây sốc?
Tôi không rõ trong số 1,3 triệu lượt theo dõi kênh TikTok "Tuấn không cận" kia, bao nhiêu người thực sự thích những nội dung được đăng tải, bao nhiêu người chỉ "nằm vùng", theo dõi để "hóng biến", để "bóc phốt" và chửi bới mỗi khi có video mới? Tuy nhiên, dù vì bất cứ lý do gì thì hành động đó cũng vô tình khiến những nhà sáng tạo nội dung "bẩn" trên mạng xã hội kiếm được tiền và tiếp tục có cơ hội làm ra nhiều sản phẩm độc hại, phản cảm hơn nữa.
Đặt giả thiết ngược lại, nếu không ai theo dõi, không ai xem kênh, kiên quyết tẩy chay đến cùng, thì liệu TikToker kia có tiếp tục làm được những video nhảm như thế kia nữa không? Vậy là, chính người dùng chúng ta đang quá dễ dãi, có phần thiếu trách nhiệm khi dung túng cho những nội dung "bẩn" trên mạng xã hội.
Ở Trung Quốc, một nghệ sĩ cho hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật và đạo đức, lối sống, có thể bị "phong sát" (cấm sóng, cấm hoạt động nghệ thuật) ngay lập tức. Tôi nghĩ, người dùng mạng xã hội Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng hành động tương tự với các TikToker, Facebooker, YouTuber... có các sản phẩm độc hại, nhảm nhí, phản cảm. Chỉ có như vậy, người sáng tạo nội dung mới có ý thức, tư tưởng đúng đắn trong công việc của mình. Bằng không, mạng xã hội sẽ mãi là một nồi "lẩu thập cẩm" mệnh ai nấy "thả mồi" và tìm đủ mọi cách cho "món" của mình nổi lên nhanh nhất để được nhiều người "gắp".
Tường Vi
- Bắt trend vô bổ vì sợ mình 'tối cổ'
- Ba lý do khiến trẻ dễ nghiện video nhảm
- Trẻ xem Youtube - từ 'ngồi ngoan' đến video nhảm
- Ai tiếp tay cho video nhảm trên YouTube?
- 'Cấm dùng Facebook, YouTube, TikTok khiến con lạc hậu'
- 'TikTok vô bổ'