Tại cơ sở tiêm chủng, chị được bác sĩ giải thích việc tạo kháng thể sau tiêm vaccine có liên quan đến nhiều yếu tố như quá trình bảo quản vaccine, nếu vaccine không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh, cơ địa của từng người... Tương tự trường hợp gia đình chị Hà, anh Tuấn Minh (28 tuổi) có vợ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi - quai bị - rubella, nhưng khi xét nghiệm để chuẩn bị mang thai thì phát hiện không có kháng thể. Anh băn khoăn không biết nên đưa vợ đi tiêm lại không. Tham khảo ý kiến trên các hội, nhóm trên mạng xã hội, anh Minh hoang mang trước hàng loạt bình luận nên đã quyết định hỏi tư vấn của bác sĩ.

Kháng thể sẽ được hình thành sau khi tiêm vaccine được đưa vào cơ thể. Nguồn: freepik
Bác sĩ Lê Thị Trúc Phương, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, việc tiêm vaccine không tạo được kháng thể như 2 trường hợp kể trên không phải là hiếm, do nhiều nguyên nhân như cơ địa của người tiêm, vaccine không đảm bảo chất lượng, do tương tác với thuốc hoặc tình trạng bệnh lý của người tiêm.
Vaccine là chế phẩm sinh học đặc biệt (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh, thậm chí một đoạn DNA hay RNA) được đưa vào cơ thể để giúp hệ thống miễn dịch tập luyện nhận diện, ghi nhớ hình dáng và tác động của virus, vi khuẩn.
Việc "bắt chước" quá trình gây bệnh tự nhiên của mầm bệnh là sự chuẩn bị cho tương lai, nếu mầm bệnh thật xâm nhập cơ thể thì hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất kháng thể chống lại, bảo vệ người tiêm.
Để dễ hình dung, bác sĩ Trúc Phương ví dụ kháng thể HBsAb (Anti HBs) là loại kháng thể bề mặt chống lại virus viêm gan B. Kháng thể HBsAb có trong 2 trường hợp do tiêm ngừa viêm gan B tạo ra, hoặc do virus viêm gan B trước đó đã xâm nhập cơ thể nhưng bị hệ thống miễn dịch nhận diện, sản xuất ra kháng thể giúp loại trừ virus.
Ngoài ra, kháng thể Anti HBs cũng có thể bị giảm theo thời gian, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe ở mỗi người. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch sau tiêm vaccine như: thuốc lá, rượu bia, stress, bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận,... và các yếu tố về mặt di truyền. Với nhiều loại vaccine nói chung, không có vaccine nào đạt hiệu quả 100%, tuy nhiên, với vaccine viêm gan B, nếu thực hiện tiêm đúng, tiêm đủ, vaccine chất lượng, cơ địa đáp ứng tốt thì hiệu quả lên đến 96%. Do vậy, vẫn có một tỷ lệ nhỏ tiêm vaccine nhưng chưa có kháng thể phòng ngừa
Lý giải điều này, theo bác sĩ Trúc Phương, mỗi loại vaccine sẽ tạo ra những lượng kháng thể khác nhau, ngoài kích thích sinh kháng thể thì vaccine còn kích hoạt miễn dịch qua trung gian tế bào tạo ra tế bào trí nhớ. Tế bào trí nhớ này có khả năng nhận diện mầm bệnh và sản xuất kháng thể chuyên biệt để chống lại, mặc dù không mạnh mẽ như kháng thể.
Trên thực tế, có những trường hợp sau một liệu trình tiêm vaccine nhưng không có hoặc chưa đủ kháng thể theo quy định, do đó, người được tiêm sẽ được tư vấn tiêm liều tăng cường hoặc một liệu trình, hay tùy theo yếu tố nguy cơ mà bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp.

Người lớn tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo
Về nguyên nhân từ chất lượng vaccine, bác sĩ Phương cho biết vaccine chỉ đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả phòng bệnh khi được thông qua kiểm định, đảm bảo chất lượng vaccine, bảo quản trong kho lạnh và hệ thống dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP, luôn duy trì nhiệt độ từ 2-8 độ C, đặc biệt là thực hành đúng quy trình an toàn tiêm chủng.
Như trường hợp bảo quản vaccine không đúng quy định, nhiệt độ bảo quản bị thay đổi, thấp hơn 2 độ C hoặc quá 8 độ C sẽ khiến chất lượng vaccine không đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng sinh kháng thể và hiệu quả phòng bệnh, đồng thời tăng nguy cơ tai biến
Quy trình tiêm chủng an toàn được thực hiện khi đủ điều kiện sức khỏe, "đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng vaccine, đúng liều lượng và đúng đường dùng". Việc sàng lọc sức khỏe trước tiêm để đánh giá bệnh lý và các yếu tố như: tiền sử tiêm vaccine, phản ứng dị ứng,... có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tiêm chủng.
"Mỗi năm cả nước thực hiện tới 40 triệu mũi tiêm vaccine cho trẻ em, người già, phụ nữ có thai... qua đó phòng ngừa được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đừng lo lắng về hiệu quả hay tính an toàn của vaccine mà trì hoãn hoặc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng vì các bệnh đã có vaccine. Nếu bạn đã tiêm vaccine nhưng xét nghiệm không có kháng thể tốt nhất cần thực hiện tiêm lại phác đồ để tạo miễn dịch hoặc đến thăm khám để được bác sĩ tư vấn phù hợp", bác sĩ Phương cho biết.
Khánh Chi